Chung tay chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng
Cập nhật ngày: 15/05/2015 13:45:54
Thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Đồng Tháp cùng các ngành liên quan đã tăng cường nhiều đợt kiểm tra, kiểm soát các loại hàng hóa tiêu dùng tại các cơ sở kinh doanh, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Người tiêu dùng cần thận trọng trong việc lựa chọn sản phẩm nhằm tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng
Theo Chi cục QLTT tỉnh, trong quý I/2015, lực lượng QLTT đã phối hợp với các ngành liên quan thực hiện 191 lượt kiểm tra mặt hàng phân bón và phát hiện 6 vụ vi phạm về giả mạo hàng hóa bao bì, xâm phạm quyền nhãn hiệu, hàng kém chất lượng; phạt tiền và tịch thu số hàng vi phạm tương đương gần 170 triệu đồng. Cũng qua công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng cho thấy, hiện nay trên thị trường tiêu dùng trong tỉnh, các mặt hàng bị phát hiện vi phạm đa phần là làm giả về nhãn mác và xuất xứ hàng hoá. Những mặt hàng này phần lớn được phân phối từ các tỉnh lân cận.
Nói về tác hại của hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, ông Lê Hồng Bảy, Phó Chi cục QLTT tỉnh Đồng Tháp nhận định: “Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang tác động trực tiếp đến sức khoẻ NTD, gây ảnh hưởng đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Vì vậy, doanh nghiệp cần có chiến lược lâu dài để bảo vệ thương hiệu, uy tín của mình. NTD không nên vì ham giá rẻ mà mua hàng không có nguồn gốc, xuất xứ, trước khi mua hàng hoá cần đọc kỹ những thông tin ghi trên sản phẩm. Hàng hóa đã mua nên nhận đầy đủ hoá đơn, chứng từ”.
Hàng giả là hàng hóa giả về chất lượng và giả mạo nhãn hiệu hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ... Hàng hóa, có hàm lượng, định lượng chất chính chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa. Về các loại thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không đảm bảo hàm lượng dược chất đã đăng ký, có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; các loại thuốc bảo vệ thực vật có hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng. Về nhãn hiệu, bao bì, hàng hóa có nhãn, bao bì giả mạo tên thương nhân, số đăng ký lưu hành, mã vạch; hàng hóa có nhãn, bao bì ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp. Hàng hóa giả mạo về Sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005.
Để cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thật sự đạt hiệu quả, ông Lê Hồng Bảy cho biết: “Thời gian tới, Chi cục QLTT sẽ phối hợp với các ngành, các cấp liên quan tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực tập kết hàng hóa, khu vực chợ, các cơ sở sản xuất kinh doanh; chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để NTD, các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh thấy rõ tác hại của việc sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng và không tiếp tay cho các đối tượng này; triển khai cho các cơ sở, hộ kinh doanh cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng”.
Nhằm bảo vệ quyền lợi của mình, NTD nếu phát hiện sai phạm về mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nên phản ánh, tố giác ngay về các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Khánh Phan