Cơ sở giết mổ gia súc gia cầm hoạt động chưa hiệu quả

Cập nhật ngày: 15/11/2016 05:54:06

ĐTO - Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 80 cơ sở sản giết mổ gia súc gia cầm. Tuy nhiên, đa số các cơ sở này đều hoạt động chưa hiệu quả, không đảm bảo vệ sinh thú y và gây ô nhiễm môi trường.

Đối với lò giết mổ gia súc, việc quy hoạch không đồng bộ và chưa phù hợp với quy hoạch tổng thể của từng địa phương. Một số huyện không có cơ sở giết mổ tập trung mà lại có nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ; nhiều địa phương địa bàn rộng, đông dân cư lại có rất ít cơ sở giết mổ như huyện Lấp Vò (2 cơ sở), huyện Thanh Bình không có cơ sở nào. Chính sự phân bố không đồng đều dẫn đến tình trạng quá tải tại một vài nơi giết mổ. Đơn cử như lò giết mổ gia súc gia cầm tập trung xã An Bình, huyện Cao Lãnh. Hầu hết gia súc được giết mổ tại các cơ sở đều theo phương thức thủ công, chưa đảm bảo quy trình kỹ thuật từ khâu nhập gia súc, công đoạn giết mổ đến khâu tiêu thụ. Điều này khiến sản phẩm có thể bị tạp nhiễm giữa các khâu.


Dây chuyền giết mổ gia cầm và chế biến gia cầm, thủy cầm của Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ

Một trong những vấn đề cần quan tâm hơn khi một số địa điểm quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc chưa phù hợp, nằm trong khu dân cư, gần trục giao thông chính và không có hệ thống xử lý nước thải, gây ô nhiễm môi trường.

Toàn tỉnh hiện có 5 địa phương sở hữu lò giết mổ gia cầm tập trung (huyện Tân Hồng; Tam Nông; Châu Thành, Cao Lãnh; TP.Sa Đéc, TX.Hồng Ngự). Tuy nhiên, các cơ sở giết mổ này đều hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân do chi phí giết mổ gia cầm tập trung cao hơn từ 3-5 lần so với phương pháp giết mổ thông thường. Ngoài ra, người dân chưa quen sử dụng thịt gia cầm làm sẵn động lạnh tại cơ sở giết mổ nên lượng hàng tiêu thụ rất chậm.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y về việc kiểm tra, đánh giá điều kiện vệ sinh thú y đối với tất cả cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh trong năm 2016 có 3/80 cơ sở đạt loại A, loại B có 59/80 cơ sở và loại C là 18/80 cơ sở.

Nhằm giảm thiểu những hạn chế đối với các lò giết mổ không an toàn vệ sinh, tiến đến xây dựng lò giết mổ tập trung theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, UBND tỉnh đã có Quyết định số 432 về việc phê duyệt đề án Quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, trong đó tỉnh sẽ tập trung đầu tư lò giết mổ theo hình thức xã hội hóa. Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nội dung thực hiện đầu tư theo quy hoạch trên tinh thần quyết định của tỉnh còn hạn chế. Qua 3 năm, chỉ có 1 cơ sở được đầu tư xây dựng mới và 4/31 cơ sở nằm trong quy hoạch được nâng cấp, sửa chữa.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc đầu tư xây dựng cơ sở lò giết mổ kinh phí cao nhưng khả năng thu hồi vốn chậm nên khó thu hút doanh nghiệp. Việc tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư chưa phủ rộng. Ngoài ra, một số địa phương bố trí địa điểm xây dựng lò giết mổ chưa đáp ứng nhu cầu của chủ đầu tư.

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn