Cần nhiều giải pháp mới trong phát triển nông nghiệp
Cập nhật ngày: 12/11/2016 06:39:04
ĐTO - Nền kinh tế Việt Nam nói chung và của ngành nông nghiệp nói riêng đang đối diện với nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Vậy thách thức ấy là gì và giải pháp ứng phó để phát triển ra sao? Phóng viên báo Đồng Tháp lược ghi ý kiến của Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vấn đề này tại diễn đàn Mekong Connect chủ đề “Tìm cơ trong nguy” được tổ chức tại TP.Cần Thơ vừa qua.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phát biểu tại diễn đàn Mekong Connect
Báo cáo Việt Nam 2035 do Chính phủ và Ngân hàng thế giới tổ chức nghiên cứu thời gian qua cho thấy, năng suất lao động Việt Nam thấp và có sự sụt giảm trong những năm qua; hệ thống đổi mới sáng tạo kém; đô thị hóa trong những năm qua nhanh nhưng chưa giúp cho tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là những vấn đề thách thức rất lớn lên nền nông nghiệp Việt Nam.
Nông nghiệp chúng ta đang gặp nhiều vướng mắc khó khăn, trước hết tài nguyên đất và nước trở nên khan hiếm hơn. Trước đây, Việt Nam rất dồi dào về nước, thì hiện nay nước ngày càng cạn kiệt, thậm chí trong một số trường hợp, thách thức về nước còn lớn hơn so với thách thức về đất. Nguồn nước trở nên khan hiếm nguyên nhân vừa do tác động của biến đổi khí hậu, thảm họa môi trường, nhưng cũng do cách thức khai thác nguồn nước không hợp lý.
Ngoài dịch bệnh, thị trường của sản phẩm nông nghiệp biến động nhiều trong những năm gần đây cũng như những năm tới từ cả hai phía cung và cầu cũng là thách thức. Từ phía cung, nguồn cung trên thế giới có sự hạn hẹp ở các nước do những vấn đề khó khăn về đất đai, thiên nhiên, nhân lực song vấn đề này có thể được giải quyết một phần nhờ vào khoa học công nghệ, làm cho nông nghiệp hiệu quả hơn, nguồn cung dồi dào hơn. Nhưng, thách thức về cầu thì cần hết sức lưu ý, bởi sản phẩm nông nghiệp đang chuyển từ xuất khẩu nhiều, giá rẻ, dựa vào tự nhiên, sức lao động, sự đầu tư lớn về thủy lợi, vật tư nông nghiệp, sang xu hướng của thời đại mới là sản phẩm phải chất lượng, an toàn. Nếu không chuyển sang cạnh tranh bằng chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn, dinh dưỡng cần thiết, thì rất khó cạnh tranh trực tiếp về nông nghiệp, dù có nhiều sản phẩm.
Trong điều kiện hiện tại, có thể nhìn nhận rằng việc đầu tư cho nông nghiệp là thấp, dù một vài năm gần đây một số doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng trên tổng thể của nền kinh tế, thì nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào nông nghiệp vẫn thấp hơn số vốn lẽ ra phải dành cho nông nghiệp, ít nhất 10%/tổng giá trị sản lượng nông nghiệp (hiện nay đầu tư đạt 6-7%) mà khi tham gia WTO Việt Nam được phép thực hiện điều này. Thực tế này không hợp lý trong nông nghiệp, đặc biệt khi nhu cầu đầu tư vào công nghệ cao. Và không chỉ yếu về khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng, chính sách kinh tế vĩ mô cũng chưa đáp ứng.
Cần chuyển sang thực hành sản xuất nông nghiệp tri thức, có hiệu quả kinh tế theo quy mô và theo chuỗi giá trị
Bên cạnh đó, liên kết giữa các ngành hay trong nội bộ ngành nông nghiệp cũng rất kém, cần phải thúc đẩy nhiều hơn. Như công nghiệp dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp yếu, sự gắn kết giữa các ngành công nghiệp, dịch vụ và phục vụ lại cho nông nghiệp còn rất ít, chưa khai thác hết nông nghiệp như một nguồn cung đầu vào rất lớn cho ngành công nghiệp. Nhân lực ít đào tạo, năng suất thấp cũng là “căn bệnh” chung cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Dân số làm trong nông nghiệp bị già hóa và khó giữ tài năng trẻ làm trong nông nghiệp - đó cũng là những thách thức khác. Bởi nông nghiệp phải chịu cạnh tranh của đô thị, của các ngành công nghiệp và dịch vụ trong thu hút tài năng quản trị cũng như các nguồn nhân lực chất lượng cao, nên giữ được nhân lực làm trong nông nghiệp là thách thức, nhất là trong bối cảnh nông nghiệp buộc phải chuyển đổi sang cách làm mới hơn, mạnh mẽ hơn.
Về những giải pháp cho phát triển nông nghiệp, phương châm tổng thể của báo cáo 2035 là hiện đại hóa và thương mại hóa nông nghiệp và phương châm cụ thể là nông nghiệp phải sử dụng hiệu quả các nguồn lực, có năng suất cao hơn để gặt hái được thành công nhiều hơn, có giá trị gia tăng cao; phải chuyển sang thực hành sản xuất nông nghiệp tri thức, có hiệu quả kinh tế theo quy mô và theo chuỗi giá trị, cách thức sản xuất nông nghiệp phải thay đổi rất lớn; phải đổi mới mạnh mẽ vai trò của Nhà nước trong quy định cũng như trên thực tế theo phương châm “tăng kiến tạo, giảm chỉ đạo”.
Muốn đổi mới nông nghiệp cần cải cách sâu rộng trong toàn bộ nền kinh tế, bởi trong nội bộ ngành không đủ giải quyết được vấn đề, đặc biệt vấn đề đất đai. Vai trò và điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp, các ngân hàng cũng rất cần Nhà nước tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào cũng như giúp nông dân chủ động hơn trong sản xuất. Đồng thời, các chính sách, thể chế về lĩnh vực khoa học công nghệ, đào tạo, hạ tầng, thì phải làm rõ hơn muốn làm gì và phải làm gì để phục vụ cho nông nghiệp. Ngoài ra, vấn đề phân cấp và phối hợp của chính quyền các cấp cũng cần thay đổi...
Hoài Minh (lược ghi)