Củng cố, phát triển làng nghề từ chương trình khuyến công
Cập nhật ngày: 16/08/2013 05:46:48
Những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp Đồng Tháp (KC&TVPTCN) thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ hữu ích, kịp thời, góp phần củng cố và phát triển làng nghề trên địa bàn huyện Lấp Vò.
Huyện Lấp Vò giới thiệu sản phẩm các làng nghề tại
Ngày hội tam nông Đồng Tháp năm 2012
Là cửa ngõ nối liền vùng tứ giác Long Xuyên, huyện Lấp Vò có hệ thống giao thông thuận lợi về đường bộ và đường thủy. Nhờ vậy, Lấp Vò có điều kiện phát triển hài hòa giữa thương mại dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (TTCN). Lấp Vò hiện có 15 làng nghề TTCN, trong đó gồm 8 làng nghề dệt chiếu; 3 làng nghề đan bội; 2 làng nghề đan lưới và 3 làng nghề còn lại là làng nghề chổi lông gà, làng nghề đan đát, làng nghề se trân. Ngoài ra, huyện còn có 12 tổ, xóm làng nghề rải rác ở các xã. Từ năm 2009 đến nay, tuy không phát triển thêm làng nghề mới, nhưng tình hình hoạt động của các làng nghề của huyện phát triển ổn định, thu hút hơn 5.700 hộ với gần 17.600 lao động tham gia.
Hằng năm, Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn khảo sát thực tế nhu cầu cần hỗ trợ máy móc thiết bị các làng nghề. Qua đó, hướng dẫn lập đề án gửi Trung tâm KC&TVPTCN xem xét, hỗ trợ. Nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm KC&TVPTCN, các nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư mua hơn 600 thiết bị, máy móc phục vụ cho các làng nghề. Hiện các làng nghề TTCN trên địa bàn huyện nhìn chung đã được cơ giới hóa quy trình sản xuất.
Hệ thống máy móc, thiết bị này đã thay thế dần lao động thủ công, tiết kiệm rất nhiều thời gian, giảm tổn thất nguyên liệu, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.Từ đó, giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Hiện trên địa bàn huyện đã thành lập 2 hợp tác xã (HTX) tiểu thủ công nghiệp (HTX Chiếu thảm Thanh Bình, HTX TTCN Nông nghiệp và dịch vụ 14/10). Cả hai HTX đều thực hiện tổ chức sản xuất và thu mua sản phẩm của xã viên. Riêng HTX Chiếu thảm Thanh Bình (xã Định Yên) thu mua 60% tổng sản lượng chiếu toàn xã, doanh thu, lợi nhuận khá ổn định.
Nhờ cơ giới hóa quy trình sản xuất, sản phẩm làng nghề chiếu Định Yên hôm nay từng bước được cải tiến mẫu mã, sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao. Hiện làng nghề chiếu Định Yên sắp hoàn thành kế hoạch xây dựng chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Tại làng nghề đan bội xã Long Hưng B, ông Nguyễn Thái Luật - chủ nhiệm HTX TTCN Nông nghiệp và dịch vụ 14/10 cho biết: “Trước đây bà con làng nghề đan bội phải chẻ nan bằng tay, cực lắm mà năng suất thấp. Từ khi Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh và Trung tâm KC&TVPTCN hỗ trợ chi phí đầu tư máy chẻ nan, bà con làng nghề vô cùng phấn khởi. Trước đây chẻ nan là công đoạn mất nhiều thời gian, giờ chẻ nan bằng máy năng suất rất cao, thu nhập khá...”
Theo Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Lấp Vò, bên cạnh việc hỗ trợ cải tiến máy móc, kỹ thuật, những năm qua, Trung tâm KC&TVPTCN còn giúp các làng nghề tìm hướng đi cho đầu ra sản phẩm. Trung tâm tạo điều kiện cho bà con làng nghề tham gia, giao lưu kinh nghiệm và quảng bá sản phẩm làng nghề qua các chương trình hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Riêng sản phẩm chiếu Định Yên tiếp tục mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu sang Lào, Myanmar... Ngoài ra, Trung tâm KC&TVPTCN còn phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức 42 lớp dạy nghề có trên 1 ngàn lao động theo học. Từ chương trình đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần tạo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
T.Hiền