Hàng Việt về nông thôn gắn kết giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng

Cập nhật ngày: 09/08/2013 06:24:57

Theo các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đánh giá, thị trường nông thôn là thị trường giàu tiềm năng mà thời gian trước họ đã “bỏ quên”. Những phiên chợ hàng Việt về nông thôn là chất xúc tác riêng để người tiêu dùng và doanh nghiệp bám sát hơn...


Các phiên chợ hàng Việt về nông thôn thu hút nhiều người
tiêu dùng đến tham quan mua sắm

Theo Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là BCĐ 275 tỉnh), trong những tháng đầu năm 2013, BCĐ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Sở Công Thương cùng các địa phương thực hiện đưa hàng Việt về nông thôn được 6 phiên chợ. Theo thống kê, có đến 280 lượt doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao trong và ngoài tỉnh tham gia, với 330 gian hàng trưng bày đa dạng chủng loại hàng hóa, thu hút khoảng 90.000 lượt người tiêu dùng đến mua sắm, đạt doanh thu hơn 7,5 tỷ đồng.

Theo đánh giá của BCĐ 275, trong thời gian qua, công tác đưa hàng Việt về nông thôn được đẩy mạnh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, sự đồng thuận trong cộng đồng người tiêu dùng đối với hàng hóa nội là rất lớn. Đạt được kết quả trên là nhờ BCĐ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Nhiều câu lạc bộ (CLB) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được ra đời, CLB mua bán hàng Việt duy trì hoạt động đều đặn, hiệu quả, tiếp tục được nhân rộng và thành lập bằng nhiều loại hình khác nhau. Theo dự kiến, đến cuối năm 2013, BCĐ 275 sẽ phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức tiếp 6 phiên chợ hàng Việt về nông thôn và khu công nghiệp.

Ông Phan Kim Sa - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho hay: “Việc xúc tiến đưa hàng Việt về nông thôn giúp cho doanh nghiệp trong việc giải quyết đầu ra của sản phẩm. Thông qua các phiên chợ, doanh nghiệp được tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng, để từ đó thay đổi quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm phù hợp, thiết lập những kênh phân phối đưa hàng hóa trực tiếp đến người dân, góp phần nâng dần thương hiệu của công ty”.

Ông Phạm Thanh Bình - Giám đốc Công ty CP TP Bích Chi cho biết: “Sự sống còn hiện nay của doanh nghiệp là thị trường, trong khi nông thôn là thị trường giàu tiềm năng, giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm tránh tình trạng hàng tồn kho. Vì thế, hầu hết các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn chúng tôi đều tham gia. Ngoài ra, chúng tôi cũng xúc tiến, tìm hiểu thị trường trong, ngoài nước, nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng để cho ra những sản phẩm phù hợp”.

Sau khi tiếp xúc với hàng Việt thì nhu cầu, niềm tin của người dân nông thôn đối với hàng hóa trong nước ngày càng cao. Nhiều người tiêu dùng bày tỏ sự hài lòng đối với hàng nội không chỉ giá cả phải chăng mà còn ở chất lượng và mẫu mã cập nhật. Cô Đinh Thị Hát, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông cho hay: “Do đã sử dụng qua hàng Việt, bản thân cũng hiểu nhiều về nó, nên khi phiên chợ được tổ chức tại địa phương thì tôi đến mua rất nhiều sản phẩm. Tại các phiên chợ, hàng hóa chất lượng, giá cả “mềm” do được phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Tôi vẫn mong những phiên chợ hàng Việt nên về thường xuyên hơn để phục vụ nhu cầu người dân nông thôn”.

Bên cạnh sự thuận lợi bởi sự đồng thuận của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia phiên chợ thì một trong những khó khăn hiện nay đối với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn là nguồn kinh phí. Theo kế hoạch năm nay, tổng kinh phí thực hiện mỗi phiên chợ là 60 triệu đồng. Trong đó, tỉnh hỗ trợ 50% và phần còn lại của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay mọi chi phí đều tăng, nên năm sau, Sở Công Thương đề nghị tỉnh hỗ trợ thêm 10 triệu đồng/phiên chợ.

Ông Phan Kim Sa cho hay: “Trước nhu cầu để hàng Việt bền chặt hơn với người tiêu dùng, Sở Công Thương xin chủ trương của UBND tỉnh về việc vẽ bản đồ phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh, nâng cấp thương mại chợ huyện làm thí điểm, qua đó doanh nghiệp nhận diện những điểm còn “thiếu” để có giải pháp thiết lập kênh phân phối tốt hơn. Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố phải xem xét lại nên đến nay chủ trương vẫn chưa thực hiện”. Mong rằng trong thời gian tới, những ý tưởng trên sớm được thực hiện để người tiêu dùng và hàng Việt Nam “kết duyên” nhau bền chặt hơn...

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn