Đảm bảo an toàn điện trong sản xuất nông nghiệp

Cập nhật ngày: 29/01/2021 15:23:42

ĐTO - Thời gian qua, tại các khu vực nông thôn, nhiều người dân tự thực hiện việc giăng mắc điện theo nhu cầu sử dụng, gây mất an toàn. Để nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng điện an toàn, Công ty Điện lực Đồng Tháp thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền và hướng dẫn người dân tuân thủ các quy định về an toàn của đường dây dẫn điện phía sau điện kế, đồng thời kiến nghị người dân khắc phục các tình trạng mất an toàn nhằm đề phòng xảy ra tai nạn điện.


Ngành điện lực thường xuyên hướng dẫn người dân trong việc vận hành hệ thống điện đảm bảo an toàn

Theo Công ty Điện lực Đồng Tháp, qua kiểm tra, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, nhiều trường hợp người dân sử dụng dây dẫn có tiết diện nhỏ, kém chất lượng gây quá tải, tróc vỏ làm chạm chập gây cháy nổ hoặc chạm vào các dây chằng kim loại, vách, mái nhà tôn gây tai nạn điện. Ngoài ra, dây dẫn điện còn giăng mắc lên cây xanh, để dưới đất, dưới nước hoặc giăng mắc lên các cây gỗ mục dễ xảy ra gãy, ngã đổ làm đứt dây dẫn điện gây tai nạn cũng là mối nguy hiểm luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn điện...

Ngày 18/10/2020, anh H. ngụ ấp Thống Nhất, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, khi thực hiện che chắn mô tơ ụ bơm nước bằng thùng phi sắt đã làm tróc vỏ dây điện đang cấp điện cho mô tơ, dẫn đến bị điện giật ngã xuống nước, do không có người ứng cứu kịp thời dẫn đến tử vong.

Để nâng cao ý thức của cả cộng đồng, Công ty Điện lực Đồng Tháp thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người dân tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn đường dây dẫn điện phía sau điện kế, đồng thời kiến nghị người dân khắc phục các tình trạng mất an toàn nhằm đề phòng xảy ra tai nạn điện.

Là người thường xuyên sử dụng điện để vận hành trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu, ông Trần Công Trung - chủ trạm bơm điện thuộc ấp An Thọ, xã An Phước, huyện Tân Hồng cho biết: “Từ lúc vận hành đến nay, định kỳ hàng năm, ngành điện đều hướng dẫn tôi thực hiện những biện pháp an toàn. Trong đó, hướng dẫn cách sử dụng dây dẫn phù hợp công suất mô tơ, kéo dây đi trên sứ cách điện có giá đỡ; tủ bảng điện và hộp đấu dây mô tơ được lắp chắc chắn; đóng tiếp đất mô tơ bơm nước và đường ống bơm nước; bịt kín băng keo cách điện, đảm bảo không thấm nước các đầu cose, mối nối. Định kỳ các thiết bị được bảo trì, sửa chữa, thay thế nên rất yên tâm vận hành”.

Ông Nguyễn Văn Dũng - chủ cơ sở cơ khí Nguyễn Dũng thuộc xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng cho biết: “Qua sự hướng dẫn của Điện lực Tân Hồng, tôi biết việc kéo dây điện sau điện kế phục vụ cho việc tưới tiêu đảm bảo an toàn là rất thiết thực, đặc biệt là lắp đặt thiết bị chống giật (loại ELCB) sau CB hoặc cầu dao điện kế. Cùng với đó là việc sử dụng dây dẫn điện đúng chủng loại và phù hợp với công suất của thiết bị; dây dẫn phải được đi trên sứ cách điện; các mối nối phải được quấn băng keo cách điện và nối so le nhau. Ngoài ra, trụ đỡ dây điện phía sau điện kế phải chắc chắn, có thể sử dụng cây gỗ khô được xử lý mối mọt và đảm bảo độ cao từ 4m trở lên, đường kính cột lớn hơn 80mm; sử dụng cột bê tông vuông có chiều cao 6,5m. Đối với trụ sắt tráng kẽm phải được nối đất cho từng trụ”.

Ông Huỳnh Minh Trí - Phó Giám đốc Điện lực Tân Hồng chia sẻ: “Ngành điện lực khuyến cáo người dân khi kéo dây dẫn điện phía sau điện kế phải dùng dây dẫn có tiết diện phù hợp với công suất sử dụng, tối thiểu phải lớn hơn hoặc bằng 2,5mm², dây có vỏ cách điện tốt, mối nối dây dẫn phải được quấn băng keo cách điện, dây dẫn phải đi trên sứ cách điện và mắc lên cột được trồng chắc chắn. Người dân nên chọn mua và sử dụng các mô tơ điện có thương hiệu, chất lượng, tiếp đất an toàn vỏ mô tơ điện, thường xuyên kiểm tra để phát hiện, sửa chữa kịp thời các mô tơ bị chạm điện ra vỏ nhằm đề phòng các tai nạn điện. Ngoài ra, phải lắp đặt thêm cầu dao tự động chống điện giật; khi sửa chữa dây dẫn hoặc mô tơ điện phải cắt cầu dao hoặc CB (ngắt điện)...”.

Trang Huỳnh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn