Đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các cơ sở kinh doanh karaoke
Cập nhật ngày: 06/10/2022 05:57:56
ĐTO - Thời gian qua, Phòng cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) thuộc Công an tỉnh Đồng Tháp mở nhiều đợt cao điểm kiểm tra và tuyên truyền về công tác PCCC đối với cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh. Từ đó, kịp thời phát hiện và nhắc nhở, chấn chỉnh các cơ sở khẩn trương khắc phục những thiếu sót liên quan đến công tác PCCC.
Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ tiến hành kiểm tra thiết bị chữa cháy tại một cơ sở kinh doanh karaoke thuộc thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành. Ảnh: NHẬT NAM
Tăng cường kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke
Để đảm bảo hiệu quả công tác PCCC, UBND tỉnh Đồng Tháp có văn bản chỉ đạo Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chủ trì, phối hợp với UBND huyện, thành phố triển khai kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá phân loại cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn tỉnh, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar. Qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và khắc phục ngay các vi phạm về an toàn PCCC&CNCH...
Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, trên địa bàn tỉnh có hơn 210 cơ sở đang hoạt động dịch vụ karaoke; không có quán bar, vũ trường. Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tiến hành tổng kiểm tra an toàn về PCCC&CNCH tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đối với các cơ sở kinh doanh, lực lượng chức năng kiểm tra về thủ tục thẩm duyệt về PCCC; nghiệm thu về PCCC; hồ sơ theo dõi, quản lý về PCCC&CNCH; giao thông phục vụ chữa cháy; cấp nước chữa cháy ngoài nhà; giải pháp điều kiện thoát nạn...
Qua kiểm tra thực tế, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH nhận định, phần lớn các cơ sở nêu cao trách nhiệm trong công tác PCCC. Trong đó, các cơ sở việc thực hiện trách nhiệm về PCCC và CNCH của người đứng đầu cơ sở theo Điều 5 Luật PCCC; ban hành, niêm yết nội quy, quy định về PCCC, có tham gia huấn luyện nghiệp vụ về PCCC để cấp giấy chứng nhận. Đồng thời, các cơ sở có trang bị phương tiện chữa cháy ban đầu như: bình chữa cháy xách tay; kẻng báo cháy; hệ thống điện, dây dẫn điện có luồn mủ (nhựa) cách điện; có mở lối thoát nạn thứ 2...
Theo chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke Họa Mi (Phường 4, TP Cao Lãnh) ngoài kiểm tra hồ sơ, xem xét thực tế tại các tầng, lực lượng chức năng cũng đã quan sát thao tác sử dụng các thiết bị PCCC của cơ sở để đưa ra đánh giá. Qua đó, giúp cơ sở nắm rõ nhiều quy định về an toàn PCCC.
Dù đa phần các cơ sở thực hiện tốt nội quy PCCC nhưng vẫn còn nhiều lỗi vi phạm cần khắc phục. Cụ thể, đa phần các cơ sở xây dựng theo kiểu nhà trệt, với số lượng từ 1/6 phòng hát, hầu hết các phòng đều chứa các vật liệu dễ cháy như: nệm ghế sopha, trần xốp, cao su non làm vật liệu cách âm. Một số cơ sở còn lắp đặt bảng hiệu quảng cáo che kín cả tòa nhà, tại tầng trệt bố trí xe máy với số lượng lớn... Một số cơ sở chưa cập nhật hồ sơ theo dõi, quản lý về PCCC; chưa thực tập phương án chữa cháy theo quy định.
Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở karaoke chưa tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; dụng cụ chữa cháy mất tác dụng, hư hỏng chưa thay thế kịp thời; chưa có thiết bị chống rò, hệ thống điện qua thời gian sử dụng chưa được bảo trì, bảo dưỡng, kiểm tra thường xuyên, các nhánh rẽ chưa được luồng trong ống nhựa cách điện...
Triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn PCCC
Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh Đồng Tháp), thời gian qua, nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCCC tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, đơn vị đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp thực hiện 2 phóng sự và 1 chuyên mục; phối hợp với các huyện, thành phố tuyên truyền theo hình thức phát nội dung tuyên truyền trên loa phát thanh, kết quả được 12.870 lượt về PCCC. Bên cạnh đó, phối hợp UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh xây dựng được 41 Tổ liên gia an toàn PCCC; 18 điểm chữa cháy công cộng trên địa bàn tỉnh; tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke được 576 lượt, có 1.076 người tham gia.
Thời gian tới, để bảo đảm an toàn PCCC đối với cơ sở kinh doanh karaoke, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh karaoke phải tuyệt đối tuân thủ, chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh ngành nghề có điều kiện, đặc biệt là quy định an toàn PCCC. Trong đó, lưu ý tổ chức cho nhân viên phục vụ tìm hiểu, học tập để có kiến thức, kỹ năng về PCCC và thoát nạn khi có cháy xảy ra; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở nhân viên, khách hàng chấp hành quy định về an toàn PCCC.
Bên cạnh đó, các cơ sở phải xây dựng phương án PCCC&CNCH; đề ra tình huống phức tạp nhất nhằm phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn khi có sự cố xảy ra, đặc biệt chú trọng công tác thoát nạn, cứu nạn tại cơ sở. Đồng thời niêm yết nội quy PCCC, tiêu lệnh chữa cháy, trang bị đầy đủ bình chữa cháy, đèn chiếu sáng sự cố, biển chỉ dẫn thoát nạn tại nơi quy định. Trang bị dây thoát nạn, dây hạ chậm tại ban công, lô gia hoặc tầng mái của cơ sở; trang bị phương tiện phá dỡ đặt ở bên trong cơ sở. Không sắp xếp vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; không lắp đặt biển quảng cáo che lấp ban công, lô gia của cơ sở.
Ngoài ra, các cơ sở cần đảm bảo có từ 2 lối thoát nạn trở lên. Các thiết bị bảo vệ, hệ thống dây dẫn, ổ cắm điện phải bảo đảm chất lượng; đường dây dẫn điện phải đi trong ống gen bảo vệ và phải tính toán đủ tiết diện bảo đảm cấp cho các thiết bị tiêu thụ, trước các thiết bị tiêu thụ dòng điện lớn phải có aptomat bảo vệ; lắp đặt bổ sung thiết bị ngắt mạch khi có sự cố chập điện. Vật liệu dùng để trang trí, ốp trần, tường cách âm phải bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy, bên trong các vật liệu trang trí này không nên lắp đặt quá nhiều các đèn chiếu sáng trang trí...
Để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, các cơ sở phải nêu cao tinh thần cảnh giác, triệt để tuân thủ các quy định về PCCC, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện chữa cháy. Thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý các chất dễ gây cháy, nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt; tăng cường công tác tự kiểm tra; kiểm tra hệ thống điện, thiết bị âm thanh, ánh sáng, điều hòa nhiệt độ, đèn quảng cáo, phương tiện chữa cháy... nhằm kịp thời khắc phục các sơ hở, thiếu sót nhằm hạn chế nguy cơ cháy, nổ xảy ra.
NHẬT NAM