Đẩy mạnh phát triển các ngành mũi nhọn của tỉnh

Cập nhật ngày: 20/12/2023 18:49:17

ĐTO - Ngày 20/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện chủ trì Hội nghị tổng kết 3 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Công thương - Xúc tiến thương mại du lịch và đầu tư năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị tăng thêm khu vực nông - lâm - thuỷ sản năm 2023 ước đạt 21.321 tỷ đồng (tương ứng giá trị sản xuất đạt 49.187 tỷ đồng), tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 3,95% so năm 2022 (kế hoạch 2023 là 3,7%).

Đến nay, toàn tỉnh có 147 hội quán với tổng số thành viên là 7.642 thành viên và 453 sản phẩm OCOP (366 sản phẩm 3 sao, 86 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm 5 sao). Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), ước cả năm tỉnh có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM và có thêm 17 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 xã đầu tiên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có thêm 3 huyện đạt chuẩn NTM.

Đối với ngành công thương, năm 2023, việc tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu nên sản xuất công nghiệp và xuất khẩu có những tín hiệu tăng trưởng tích cực hơn trong những tháng cuối năm, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của nền kinh tế tỉnh nhà. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt 11.292 tỷ đồng, tăng 6,34% so với năm 2022 và đạt 96,46% kế hoạch.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện phát biểu tại hội nghị

Năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt 70.271 tỷ đồng, tăng 6,16% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 97,04% kế hoạch năm. Sức mua trên thị trường đã có sự phục hồi tốt so với năm trước và giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Giá trị tăng thêm ngành thương mại ước đạt 8.934 tỷ đồng, tăng 6,50% so với năm 2022, đạt 97,11% kế hoạch. Hoạt động xuất khẩu của tỉnh đạt được mức tăng trưởng tương đối tích cực. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 1.600 triệu USD, bằng 92,58% so với cùng kỳ 2022.

Năm 2023, các chương trình hợp tác, xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư tiếp tục được triển khai hiệu quả, thiết thực, tạo điều kiện các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tiếp cận thị trường. Hệ thống phân phối, doanh nghiệp sản xuất ngày càng khẳng định được vai trò tìm kiếm thị trường, duy trì chuỗi cung ứng, đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa ổn định…

Tại cuộc họp, đại diện các ngành, doanh nghiệp, hiệp hội các đại biểu chia sẻ những thuận lợi khó khăn và đề xuất một số giải pháp phát triển các ngành hàng thế mạnh của tỉnh như sen, cá tra, lúa gạo… Theo đó, các đại biểu đề xuất đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, chế biến sen; nâng cao chất lượng cá tra giống; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chế biến góp phần nâng cao giá trị gia tăng nông sản. Hướng tới sản xuất bền vững, các đại biểu đều nhấn mạnh tầm quan trọng trong liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng trên tinh thần chia sẻ, đảm bảo lợi ích hài hòa giữ các bên tham gia.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện yêu cầu các địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, chương trình xây dựng NTM. Trong việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, các địa phương cần chú trọng đảm bảo chất lượng theo quy định, không chạy theo thành tích nhằm phát huy tốt tài nguyên bản địa… Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư cần rà soát lại, thống kê hiệu quả về chương trình thương mại điện tử.

Đối với Trung tâm Xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện yêu cầu cần đánh giá hiệu quả cụ thể các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư; đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực xúc tiến thương mại cùng các chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, yêu cầu đơn vị và Sở Công Thương đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi số.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương triển khai thực hiện Đề án phát triển 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao để kịp tiến độ. Đồng thời tham mưu sơ kết Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó đánh giá từng phần việc, nội dung cụ thể; tham mưu UBND tỉnh văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý, sử dụng mã số vùng trồng tại thị trường nội địa… Đồng thời, đơn vị phối hợp với các địa phương rà soát lại quy hoạch lại các bờ sông Tiền, sông Hậu; đẩy mạnh công tác quản lý môi trường về trồng trọt, chăn nuôi...

Đối với Sở Công Thương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đơn vị rà soát, đánh giá lại hiệu quả hỗ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị; củng cố Hiệp hội lúa gạo đất Sen hồng và Tổ Thông tin và Phân tích thị trường nông sản tỉnh để dự báo tình hình thị trường sát với nhu cầu thực tế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được nhiều sự góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, bà con nông dân giúp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong năm 2024.

 Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn