Đẩy mạnh quản lý an toàn thực phẩm trong ngành công thương
Cập nhật ngày: 27/03/2015 13:23:40
An toàn thực phẩm (ATTP) có tầm quan trọng đặc biệt vì không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn liên quan chặt chẽ đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Trong lĩnh vực công thương, việc quản lý nhà nước (QLNN) hoạt động ATTP tập trung vào các nhóm hàng rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, bánh kẹo, bột và tinh bột, dụng cụ, vật liệu bao gói. Tuy nhiên, để hoạt động ATTP trong ngành công thương sớm đi vào nề nếp thì cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ trong công tác tuyên truyền, quản lý và sản xuất của tất cả các thành phần trong chuỗi hoạt động này.
Công tác quản lý an toàn thực phẩm lĩnh vực công thương còn một số khó khăn nhất định
Năm 2014, Sở Công Thương đã tổ chức 4 lớp tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm ngành công thương trên địa bàn các huyện: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình có gần 600 học viên tham gia. Năm qua, Sở cũng tổ chức 10 buổi xác nhận kiến thức ATTP và cấp 753 giấy xác nhận kiến thức ATTP cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngành công thương; tiến hành thẩm định và cấp 78 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương kiểm tra 3.314 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, qua đó, nhắc nhở 152 cơ sở kinh doanh hàng hóa sử dụng chất hàn the, quá hạn sử dụng, không có giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP hết hạn..., lập biên bản vi phạm 19 cơ sở không giấy khám sức khỏe, kinh doanh không đúng ngành nghề, không giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP, đã xử phạt 51,9 triệu đồng.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, năm 2014, công tác QLNN về lĩnh vực ATTP từng bước đi vào nề nếp, việc phân định chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với từng ngành như: ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, công thương ngày càng rõ nét và cụ thể hơn. Người sản xuất từng bước nắm bắt và ý thức hơn trong việc đảm bảo ATTP đối với hàng hóa đang sản xuất và kinh doanh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý ATTP phạm vi quản lý của Sở Công Thương vẫn còn một số khó khăn nhất định. Mặc dù đã có văn bản hướng dẫn, phân cấp chức năng nhiệm vụ và lĩnh vực thuộc thẩm quyền của từng đơn vị phụ trách rõ ràng, nhưng do người dân chưa kịp thời nắm bắt; một số qui định vẫn còn chồng chéo, chưa cụ thể, rõ ràng dễ gây nhầm lẫn, khó khăn trong việc triển khai thực hiện quản lý các cơ sở thực phẩm trên địa bàn. Thực tế cho thấy, trong số hơn 3.324 cơ sở sản xuất, kinh doanh do Sở Y tế bàn giao cho Sở Công Thương quản lý thì số cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ chiếm 2/3 trên tổng số đơn vị kinh doanh. Tình trạng chung tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ là vấn đề cơ sở vật chất còn hạn chế, hệ thống cấp, thoát nước trong khu vực sản xuất còn khá tạm bợ... vì vậy, việc thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các đơn vị này còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều nguyên nhân khách quan khiến cho công tác đảm bảo ATTP của ngành chưa thể thực hiện đồng bộ. Trong đó, nguồn lực làm công tác quản lý nhà nước về ATTP ngành công thương tuyến tỉnh, huyện hầu như chưa được bổ sung đầy đủ, tương xứng với nhiệm vụ được giao; công tác bồi dưỡng, tập huấn cho lực lượng làm công tác ATTP còn thiếu, điều kiện về trang bị kỹ thuật, cơ sở vật chất phân tích, xét nghiệm để phục vụ công tác quản lý hầu như chưa có.
Từ thực tế trên, năm 2015, Sở Công Thương định hướng nhiều giải pháp để công tác QLNN về ATTP của ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả và đồng bộ hơn. Song song với hoạt động thông tin, tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm theo phạm vi, chức năng của ngành, công tác thanh, kiểm tra nhằm đảm bảo ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chợ, siêu thị... sẽ được tăng cường. Bên cạnh đó, ngành sẽ tổ chức hướng dẫn nghiên cứu đánh giá các mối nguy về ATTP, từ đó chủ động xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra ATTP nhằm phát hiện và cảnh báo cho cộng đồng về các sản phẩm không đảm bảo chất lượng ATTP. Trong quá trình thực hiện sẽ tiếp tục nghiên cứu các văn bản về ATTP trong lĩnh vực quản lý của ngành để có phản ảnh thực tế, kịp thời đến các cấp, các ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện.
Công tác QLNN về ATTP là việc làm lâu dài, thường xuyên và liên tục là mục tiêu và là động lực của cơ quan QLNN nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Mỹ Lý