Hiệu quả từ mô hình liên kết trong chăn nuôi heo

Cập nhật ngày: 25/03/2015 13:51:04

Liên kết vừa là phương phức vừa là mục tiêu hướng đến trong việc sản xuất gắn với thị trường, phục vụ cho Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Gần 8 năm qua, nhiều hộ nông dân tại huyện Lấp Vò, Lai Vung đã tiến hành liên kết chăn nuôi gia súc, gia cầm với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (Công ty C.P) mang lại nhiều tín hiệu lạc quan.

Trang trại nuôi heo của ông Nguyễn Thành Giống

Ông Đào Hoàng Sơn tại xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò - một trong những nông dân đầu tiên tại địa phương tham gia kí kết hợp đồng chăn nuôi gia công cho Công ty C.P Việt Nam. Ông Sơn cho biết: “Đây là năm thứ 6 gia đình tôi nuôi heo gia công với C.P. Nhờ nuôi heo gia công mà kinh tế gia đình ổn định, khấm khá hơn. Trừ đi chi phí, mỗi năm gia đình tôi có lãi trên 100 triệu đồng”.

Theo ông Sơn, hình thức liên kết của Công ty C.P cũng thuận tiện, sau khi khảo sát chuồng trại xong, phía Công ty sẽ đầu tư heo con, thức ăn và toàn bộ vacxin tiêm phòng cho đàn heo. Người nuôi chỉ gia công chăm sóc dưới sự hướng dẫn của cán bộ Công ty C.P; vệ sinh chuồng trại theo quy trình công ty cung cấp. Cuối mỗi vụ nuôi, khi heo đạt trọng lượng từ 100kg trở lên thì công ty sẽ thanh toán chi phí gia công theo hợp đồng được kí kết, với mức giá dao động từ 2.500 - 3.000 đồng/kg. Nhờ đó, lợi nhuận từ việc nuôi heo liên kết với công ty cũng khá.

Được biết, toàn huyện Lấp Vò hiện có 6 hộ nuôi gia công cho Công ty C.P, trong đó có 2 hộ nuôi theo công nghệ lạnh (nuôi theo hướng khép kín) với sản lượng cung cấp hàng năm gần 500 tấn heo thịt. Tuy nhiên, do hình thức nuôi này có chi phí đầu tư khá cao nên đa phần các trang trại nuôi hiện nay đều nuôi theo hình thức truyền thống “nuôi hở”, tức là để thông gió tự nhiên... Ông Nguyễn Thành Giống, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò cho biết, nuôi lạnh thì lợi nhuận và hiệu quả kinh tế gần gấp đôi so với hình thức “nuôi hở” nhưng hiện tại trang trại của ông chưa đủ vốn để cải tạo. “Hướng tới, để đáp ứng yêu cầu của công ty thì phải chuyển sang nuôi lạnh, nhưng do đang khó về nguồn vốn, nên việc chuyển đổi còn chậm” - ông Giống tâm sự.

Theo lãnh đạo Công ty C.P Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp, hiện công ty đang có nhu cầu mở rộng liên kết với nông dân trên địa bàn toàn tỉnh, để nâng sản lượng từ 20 đến 30% mỗi năm. Với chỉ tiêu này, sẽ mở ra cơ hội cho những nông dân có điều kiện tham gia chăn nuôi, đồng thời cải thiện thu nhập và giảm thiểu rủi ro như trong chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay. “Mục tiêu của Công ty là liên kết với nông dân trên địa bàn toàn tỉnh để chăn nuôi. Công ty sẽ cung cấp toàn bộ từ con giống đến thức ăn, thuốc... Nông dân chỉ bỏ vốn đầu tư chuồng trại đạt chuẩn và tiến hành kí kết hợp tác với C.P” - Ông Phạm Quý Trọng, Giám đốc Cty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh Đồng Tháp chia sẻ.

Ngoài nuôi heo, Công ty C.P còn thực hiện liên kết với nông dân trong chăn nuôi gia cầm như gà vịt... Đặc biệt, ngành hàng vịt cũng là một trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp trong việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hiệu quả kinh tế và những triển vọng mở ra cho mối liên kết giữa nông dân và Công ty C.P thời gian qua khá tích cực. Tuy nhiên, quy mô và diện tích liên kết vẫn còn nhỏ, chưa thật sự tạo bước chuyển mạnh mẽ trong cơ cấu chăn nuôi trên địa bàn. Do đó, cần có sự quan tâm kịp thời của chính quyền để việc liên kết này được lan tỏa và phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn