Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Cập nhật ngày: 13/11/2018 09:58:42

ĐTO - Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp với phương châm “Hợp tác, liên kết và thị trường”, tỉnh xem công tác thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu... là một trong những nhân tố quan trọng.


Công ty Ecofarm giới thiệu sản phẩm dưa lưới được trồng theo công nghệ cao

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư; cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 52 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, với tổng vốn trên 7.530 tỷ đồng, thuộc các lĩnh vực như: chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, xây dựng chợ nông thôn, xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung...

Trong đó, có một số dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như: Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản Austfeed Mekong của Công ty TNHH Liên doanh Austfeed Mekong với tổng vốn đầu tư 440 tỷ đồng; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Thanh Bình của Công ty TNHH MTV Nông trại sinh thái Đồng Tháp với tổng vốn đầu tư 35,2 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Cỏ May Essential đầu tư 36 tỷ đồng xây dựng mô hình trang trại xanh, canh tác và chế biến các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Ông Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Công ty Cổ phần Nông trại Sinh thái (Ecofarm) cho rằng, hiện nay Đồng Tháp có 2 ngành hàng hoa kiểng và cây ăn trái sở hữu giá trị gia tăng cao, thuận lợi trong việc ứng dụng khoa học công nghệ cao. Vì vậy, công ty dự định triển khai đầu tư vào ngành hàng hoa Sa Đéc và khai thác vườn cây ăn trái tại cồn Tân Thuận Đông kết hợp với du lịch nông nghiệp.

Thời gian qua, tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho nông dân để đầu tư trang thiết bị máy móc nông nghiệp hiện đại phục vụ sản xuất theo Quyết định số 63 và Quyết định số 65 của Thủ tướng Chính phủ đã tác động tích cực đối với sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà. Cụ thể, giúp gia tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong thu hoạch lúa trên 75%, tỷ lệ lúa qua sấy vụ hè thu đạt trên 38% sản lượng, góp phần giảm thất thoát từ 2,5 – 3% sản lượng thu hoạch với giá trị trên 200 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động địa phương và khuyến khích DN tiếp nhận lao động qua đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn một số khó khăn nhất định. Hiện nay, số lượng dự án đầu tư vào lĩnh vực này chưa nhiều; quy mô đầu tư nhỏ, chưa xứng tầm với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.

Ngoài ra, diện tích đất công của tỉnh còn ít nên không đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư dự án có quy mô sử dụng đất lớn. Đáng quan tâm hơn chính là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chịu áp lực rủi ro cao về tài chính do ảnh hưởng bởi thời tiết, dịch bệnh, giá cả nông sản không ổn định. Thời gian hoàn vốn chậm nên DN chưa mạnh dạn tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ.

Mặt khác, nguồn nhân lực phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học và hệ thống thủy lợi nội đồng, hạ tầng giao thông kết nối các vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến nông sản còn hạn chế. Thực tế cho thấy, một số hợp tác xã nông nghiệp chưa đủ nguồn lực để hỗ trợ cho DN trong việc cung ứng, thu mua nông sản của nông dân. Việc DN tiếp cận nguồn vốn vay tại các tổ chức tín dụng còn hạn chế, gây khó khăn cho việc đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.


Cá tra - sản phẩm thế mạnh nhiều tiềm năng của tỉnh

Nhận diện được những thuận lợi và khó khăn trong việc thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 của Chính phủ với mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Đồng thời cải thiện nhanh hơn đời sống nông dân, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và an ninh quốc phòng.

Theo đó, tỉnh định hướng chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, theo cơ chế thị trường, chú trọng về chất lượng và giá trị gia tăng. Mặt khác đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với nền nông nghiệp hiện đại 4.0 theo hướng tích hợp công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano và cơ giới hóa.

Xuất phát từ tình hình thực tế, tỉnh sẽ tiến hành điều chỉnh các điều kiện ưu đãi đầu tư một cách hợp lý tạo sức hút để DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến. Đồng thời tập trung triển khai các dự án, chương trình hợp tác với Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tổ chức FAO, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế khác.

Tỉnh tiếp tục thực hiện giải pháp cải tiến và phát triển chuỗi giá trị và nâng cao năng lực cạnh tranh đối với 5 ngành hàng chủ lực, trong đó tập trung vào 2 ngành hàng chủ lực quốc gia là cá tra và lúa gạo. Tăng cường tổ chức lại và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cho các ngành hàng chủ lực.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương chia sẻ, Đồng Tháp luôn xem DN là người bạn đồng hành trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển, hỗ trợ tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư.

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn