Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ vùng Tây Nam bộ
Cập nhật ngày: 12/07/2017 09:53:25
ĐTO - Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, Chương trình Tây Nam bộ cần thay đổi mục tiêu để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại mới; các đề tài khoa học và công nghệ (KH&CN) được xây dựng phải đáp ứng nhu cầu thực tế của vùng, nhất là các đề tài nghiên cứu về chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp.
Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ ý kiến tại hội thảo
Ý kiến này được nêu tại Hội thảo “Chương trình Tây Nam bộ: Kết quả thực hiện và định hướng nhiệm vụ KH&CN giai đoạn 2018-2019” do Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vừa tổ chức tại Đồng Tháp.
Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, trong khi các quốc gia tiên tiến đã áp dụng bước đầu những KH&CN của thời kỳ nông nghiệp công nghệ 4.0 (gọi là Nông Công 4.0, viết tắt NC 4.0, nội dung là nông nghiệp thông minh) thì Việt Nam ta vẫn còn đang ì ạch với NC 2.0 (một ít kĩ thuật + cơ giới kết hợp với thủ công).
Đã có một vài điển hình tại Tây Nam bộ đã áp dụng NC 3.0 (sản xuất qui mô lớn, áp dụng công nghệ sinh học, một ít công nghệ thông tin và một ít thiết bị tự động nhằm đạt chuẩn chính xác, giá trị và chất lượng cao); Một sáng kiến của Công ty Rynan mầm mống khởi đầu cho NC 4.0 ở Tây Nam bộ, sử dụng Số Liệu Lớn và điện toán đám mây ứng dụng cho điều kiện ruộng lúa. Như thế thì Tây Nam bộ còn phải nhiều năm nữa mới có những đề tài nông nghiệp công nghệ cao theo kịp thế giới.
“Hiện đồng bằng sông Cửu Long cùng với các vùng nông nghiệp trên cả nước thực hiện Quyết định 899/QĐ-TTG ngày 10/6/2013 về tái cơ cấu nông nghiệp, mục tiêu nhằm nâng cao lợi tức và mức sống của nông dân. Quyết định của Thủ Tướng đã ban hành hơn 4 năm, nhưng đến nay vẫn chưa thấy được cách thực hiện chủ trương đổi mới tư duy này của lãnh đạo các địa phương, mặc dù đã có một số mô hình rất bền vững. Do đó, Chương trình Tây Nam bộ cần đi đầu đột phá theo hướng tập trung kinh phí và trí tuệ nghiên cứu các giải pháp giúp lãnh đạo các địa phương và nông dân thực hiện Quyết định 899” – Giáo sư Võ Tòng Xuân nêu lên giải pháp.
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, chương trình Tây Nam bộ cần nghiên cứu những vấn đề sau:
Nội dung quan trọng hàng đầu là bớt diện tích lúa để trồng cây trồng khác có thị trường và giá cả cao hơn. Có 2 trường hợp: (1) ruộng trồng 2 vụ lúa, thay vụ lúa bằng cây trồng cạn (bắp, đậu nành, đậu phộng, đậu xanh...) ở vùng đất pha cát thì không khó, nhưng rất khó đối với vùng đất thịt hoặc đất sét nặng. Cần nghiên cứu biện pháp cơ giới hóa để phục hồi cấu trúc tơi xốp của đất; (2) ruộng trồng 3 vụ lúa: nếu luân canh màu thay bớt 1 vụ lúa thì cũng phải nghiên cứu như trên.
Nếu để đất trống nhằm lấy phù sa và nuôi cá thì cần điều tra trong dân những kinh nghiệm thế lúa bằng cá; trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước tưới lúa trở thành chi phí cao, có thể chuyển cả 3 vụ lúa thành vùng cây ăn trái để tiết kiệm nước, đồng thời giá trị sản phẩm sẽ cao hơn nhiều.
Trên đất lúa, tăng cường trồng cây ăn trái chất lượng thơm ngon, sạch và an toàn, có thể truy nguyên nguồn gốc. Muốn được thế, chúng ta cần nghiên cứu trọn chuỗi sản xuất từ kênh phân phối trở ngược lại đến vùng sản xuất nguyên liệu, xây dựng theo NC 3.0.
Cải tiến các vùng lúa – tôm hiện đang hoạt động. Tuy diện tích lúa tôm hiện có đang sản xuất mạnh nhưng năng suất chưa đạt tiềm năng, sức khỏe con tôm còn có vấn đề. Phần lớn các hộ nuôi tôm sau vụ lúa đều do tự phát, không phải do Nhà nước qui hoạch. Vì làm theo tự phát, những hộ cá thể này tự động đào đắp vuông tôm lúa và kênh lấy nước mặn vào, nước vào ruộng người này là nước thải ra của ruộng người kia, do đó mầm bệnh tôm lây lan, làm giảm năng suất tôm. Cần có đề tài về phương diện này, ứng dụng NC 3.0, bắt đầu từ khu công nghiệp chế biến tôm.
Cải tiến vùng nuôi tôm quảng canh, bán thâm canh và vùng thâm canh theo NC 3.0: Nông dân nuôi tôm không bao giờ có thu nhập ổn định vì phần lớn làm theo cá thể, tự phát, bán nguyên liệu cho thương lái tự do đưa tạp chất vào tôm cá để gạt khách hàng, làm tổn thương danh tiếng Việt Nam.
Cần qui hoạch từng vùng sản xuất tôm, mỗi vùng kết nối với một nhà máy chế biến thủy sản, có hệ thống kênh mương đạt chuẩn kỹ thuật, kênh tưới nước sạch đã được pha đúng nồng độ muối và kênh tiêu nước bẩn riêng rẽ. Vuông tôm manh mún và rải rác của nông dân sẽ được tập hợp lại bố trí theo kênh mương ngay ngắn.
Chương trình Tây Nam bộ nên chú ý kêu gọi các nhà khoa học đăng ký đề tài “Nâng cao năng lực cạnh tranh của nông dân Tây Nam bộ trong sản xuất nguyên liệu cho nông sản”.
Có thể thực hiện trên một số cây trồng chủ lực; riêng cây lúa ở Đồng Tháp đã được thực hiện tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười. Bởi vì năng lực cạnh tranh của nông dân Tây Nam bộ thua xa so với các nước. Ngay trong cùng một tỉnh, nông dân một số hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) này cạnh tranh thua nông dân HTXNN kia. Thí dụ giá thành sản xuất 1kg lúa, phần lớn nông dân phải tốn 3.900 đồng thì có HTXNN chỉ tốn 2.000 – 2.500 đồng.
Tham gia vào giai đoạn tái cơ cấu nông nghiệp, các công ty vật tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cũng khẳng định rằng, suốt hơn 40 năm qua, nông nghiệp Việt Nam, nhất là vùng Tây Nam bộ, nông dân đã thâm canh tột độ bằng biện pháp hóa học với các sản phẩm từ hóa thạch, mùa sau bón cao hơn mùa trước. Tình trạng này khiến cho chất hữu cơ trong đất giảm và phần lớn vi sinh vật trong đất bị tiêu hủy, đất đai của Tây Nam bộ bị chai hoặc thoái hóa. Các nước tiên tiến đã kinh qua giai đoạn này, họ đã và đang sửa sai bằng cách “đưa đất đai trở về trạng thái hữu cơ như thời đại trước khi phân hóa học được phát minh”.
Vì vậy đồng ruộng Việt Nam, nhất là vùng Tây Nam bộ hiện nay đang tiếp nhận nhiều loại phân bón “hữu cơ vi sinh nano” chứa các dòng vi khuẩn hoặc khuẩn endophyte từ Mỹ, Nga, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Bước đầu, khi các phân bón này được dùng thử thì nhiều nông dân trồng lúa, trồng cam, bưởi, rau cải, xoài... đều thấy có kết quả tốt nhưng chưa đều.
Do đó, Chương trình Tây Nam bộ cần đặt hàng một cơ quan rất khách quan thực hiện đề tài “Xác định độ hữu hiệu của một số phân bón hữu cơ vi sinh trên cây lúa, xoài, bắp, rau màu trồng tại vùng Tây Nam bộ”. Kết quả này sẽ giúp cho lãnh đạo nông nghiệp và nông dân các địa phương quyết định áp dụng đúng phân bón cho cây trồng.
Để tiến tới ứng dụng NC 4.0 đạt hiệu quả cao trong 5 năm tới, bắt đầu từ bây giờ, với các mầm mống kỹ thuật hiện có, chúng ta nên khuyến khích một số tập thể khoa học và kỹ thuật ứng dụng NC 4.0 để nâng cao độ chính xác của các kỹ thuật trồng trọt, để đạt chất lượng cao và giá trị cho các nông sản chủ lực của Tây Nam bộ như: lúa, xoài, bưởi, cam, tôm nước lợ... Mỗi sản phẩm sẽ được nghiên cứu trong chuỗi giá trị, với sự tham gia của các thành phần trách nhiệm: từ qui hoạch vùng, xây dựng cơ sở vật chất từ đồng ruộng đến nhà máy sơ chế hoặc chế biến, quản lý đồng ruộng từ khâu bón phân, cho ăn, thuốc BVTV, ngừa trị bệnh cây con, thu hoạch, chế biến, bảo quản, đóng gói/bao, phân phối sản phẩm ra thị trường.
Về chăn nuôi gia cầm, gia súc: các vấn đề khoa học kỹ thuật đã có nhiều, chưa áp dụng hết. Tồn tại là vấn đề khoa học xã hội, nên tổ chức thế nào, cần phải được nghiên cứu từ thị trường phân phối đầu ra trở ngược lại giống, chuồng trại và kỹ thuật nuôi. Lưu ý, nếu hướng về xuất khẩu, Việt Nam ta có lợi thế cạnh tranh đối với nuôi gà hữu cơ/thả vườn; riêng gà công nghiệp thì không hơn các nước tiên tiến.
Các vấn đề về chế biến nông sản đạt chất lượng xuất khẩu: Hiện nay “vườn ươm công nghệ Việt – Hàn” đã xây dựng gần xong. Đây là một cơ sở cho các mầm mống khởi nghiệp của doanh nhân trẻ. Mặc dù Hàn Quốc đã đầu tư máy móc thiết bị, phía Việt Nam chưa có kinh phí để làm mồi cho các công trình khởi nghiệp. Do đó, Chương trình Tây Nam bộ nên nhân cơ hội này tài trợ, trên cơ sở chọn lọc từ các cuộc thi viết đề án khởi nghiệp trên địa bàn, các doanh nhân trẻ thực hiện ước mơ xây dựng quê hương miền Tây ngày càng giàu mạnh. Những thành công lớn của doanh nghiệp Chanh Việt và Công ty TRIVIE đã chế biến thành công nước chanh dạng bột và dạng nước uống trong hộp đáng được khuyến khích. Các loại sản phẩm cá khô cần được nghiên cứu qui trình phơi thế nào cho đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, không để bụi bặm hoặc côn trùng bám vào sản phẩm...
Thảo Vy (lược ghi)