Để ngành hàng khô cá tỉnh nhà phát triển bền vững

Cập nhật ngày: 27/02/2022 06:45:58

ĐTO - Những năm gần đây, nghề sản xuất khô cá truyền thống phát triển mạnh tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều nông hộ ở khu vực nông thôn. Bên cạnh những tín hiệu tích cực về kinh tế, ngành nghề sản xuất khô cá truyền thống cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Hiện nay, chưa có quy trình sản xuất chuẩn hóa bền vững dẫn đến việc sử dụng nguyên liệu và năng lượng trong sản xuất chưa thật sự hợp lý. Từ đó, làm tăng chi phí, khó đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường trong quá trình sản xuất.


Sản xuất khô cá ở Làng khô Phú Thọ, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông

Nhằm giúp cho các hộ sản xuất và kinh doanh khô cá trên địa bàn tỉnh giải quyết được “bài toán” khó này, vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp đã hoàn thiện nội dung của “Sổ tay sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành khô cá trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”. Thông qua quyển sổ tay này, các hộ sản xuất khô cá trên địa bàn tỉnh có cơ hội để hiểu và sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên trong sản xuất, từ đó giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và hiệu quả cạnh tranh cho sản phẩm.

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN) để có thể giúp các cơ sở sản xuất khô cá trên địa bàn tỉnh hướng đến sản xuất và tiêu dùng bền vững hơn, các cơ sở có thể áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, cải tiến sản xuất trong các khâu như: nâng cao hiệu quả việc sử dụng nguyên liệu, tài nguyên nguyên nước, sử dụng điện năng, tăng cường giải pháp giúp giảm thiểu trong ô nhiễm môi trường...

Theo đó, để giúp sử dụng điện năng và tài nguyên nước hiệu quả hơn, Trung tâm KC&TVPTCN đề nghị các cơ sở sản xuất khô cá có thể thực hiện một số giải pháp như theo dõi và đánh giá hiệu quả sử dụng điện; sử dụng hiệu quả hệ thống chiếu sáng; sử dụng điện hiệu quả trong công đoạn sấy khô như dùng máy sấy bơm nhiệt kết hợp điện trở thay cho máy sấy điện trở, sử dụng nhà sấy năng lượng mặt trời kết hợp bơm nhiệt thay cho máy sấy điện trở... Đồng thời đầu tư các loại tủ đông tiết kiệm điện, sử dụng hợp lý và thường xuyên vệ sinh tủ đông.

Để việc sử dụng nguồn nước trong sản xuất khô được tiết kiệm, hiệu quả, Trung tâm KC&TVPTCN khuyến cáo các cơ sở sản xuất cần lắp thêm đồng hồ nước riêng cho sản xuất. Đồng thời theo dõi, đánh giá hiệu quả sử dụng nước hàng ngày so với định mức tiêu hao nước trung bình của cơ sở. Với cách làm này, sẽ giúp cơ sở phát hiện và xử lý kịp thời việc tiêu hao nước tăng bất thường.

Bên cạnh đó, “Sổ tay sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành khô cá trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp” cũng hướng dẫn nhiều giải pháp nhằm giúp các cơ sở sản xuất khô cá nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất khô cá truyền thống tại Đồng Tháp.

Hàng năm, với nhiệm vụ, chức năng của đơn vị, Trung tâm KC&TVPTCN Đồng Tháp còn thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến, xây dựng mẫu, hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp và các doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc, dây chuyền sản xuất, nhãn hiệu hàng hóa... Từ đó, góp phần giúp cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn tỉnh nhà được chuyên nghiệp hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng khắt khe của thị trường.

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn