Xây dựng Đề án tái cơ cấu nông nghiệp khoa học, cẩn trọng và tập trung chỉ đạo thực hiện

Cập nhật ngày: 23/02/2022 09:33:08

ĐTO - Đồng Tháp có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp và cũng là địa phương đi đầu trong cả nước trong việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNNN) theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/6/2013. Chính quyền tỉnh đã nhận thức rõ thuận lợi, khó khăn của ngành nông nghiệp địa phương, từ đó lãnh đạo, định hướng quá trình cơ cấu lại ngành theo Đề án TCCNNN tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về TCCNNN, Đồng Tháp là địa phương đầu tiên trong cả nước trình lên Chính phủ Đề án TCCNNN của tỉnh. Đây là bản đề án được xây dựng khoa học và cẩn trọng, có sự phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn. UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện ngay, từ việc thành lập Ban chỉ đạo, giám sát thực hiện, ban hành kế hoạch TCCNNN, tuyên truyền vận động và bố trí kinh phí riêng thực hiện một số nhiệm vụ. Việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án trực thuộc UBND tỉnh, tạo sự khác biệt so với các tỉnh khác (Ban chỉ đạo thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)).

Nội dung của Đề án TCCNNN mang tính thực tiễn, lấy tư tưởng phát triển chuỗi ngành hàng làm chủ đạo. Đề án được xây dựng dựa trên những luận cứ khoa học và thực tiễn thông qua việc rà soát, rút kinh nghiệm từ những kết quả nghiên cứu đã có, các sáng kiến, mô hình thực tiễn thành công trong và ngoài tỉnh, để đề xuất mô hình tăng trưởng nông nghiệp tạo ra tăng trưởng cao, hiệu quả và bền vững cho ngành nông nghiệp, giúp định hướng phân bổ lại lực lượng lao động nông thôn nhằm tạo đủ việc làm, hiệu quả và vững bền cho tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và hướng tới tầm nhìn 2030.

Đề án đã xác định rõ 5 ngành hàng chủ lực (lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra, vịt) dựa trên lợi thế so sánh, tiềm năng thị trường để tập trung phát triển. Việc phát triển 5 ngành hàng này được xem như là các mô hình mẫu để phát triển các ngành hàng khác nói riêng cũng như ngành nông nghiệp của tỉnh nói chung. Đây là một tư tưởng rất hay và phù hợp trong hoàn cảnh lợi thế so sánh, cạnh tranh, môi trường sản xuất, thị trường thế giới luôn luôn thay đổi. Đặc biệt, theo kết quả khảo sát gần 800 cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã năm 2021, việc xác định nội dung tái cơ cấu, 5 ngành hàng chủ lực đúng hướng, phù hợp với thực tiễn là một trong những yếu tố chính dẫn đến thành công của TCCNNN Đồng Tháp.

Ngay sau khi Đề án TCCNNN của tỉnh được thông qua, tỉnh đã ban hành Chỉ thị 11-CT/TU 16/6/2014 triển khai thực hiện thành lập Ban Điều hành đề án, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Sở NN&PTNT làm Phó ban trực và lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể liên quan, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố. Đồng thời, tỉnh thành lập nhóm tư vấn triển khai thực hiện đề án với nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn triển khai, vận động chính sách, nguồn lực và tài trợ quốc tế; thành lập Phòng Quản lý thực hiện đề án trực thuộc Sở NN&PTNT có trách nhiệm giúp việc cho Ban Điều hành và nhóm tư vấn; ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án. Điều này, thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong công cuộc thực hiện TCCNNN, giúp cho việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành được nhanh chóng, nhịp nhàng. Sau 2 năm triển khai, Ban điều hành thực hiện đánh giá những kết quả đạt được cũng như những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Đề án TCCNNN và ban hành Kế hoạch 188/KH-UBND ngày 19/9/2016 triển khai thực hiện đề án giai đoạn 2016-2020, giao nhiệm vụ cho từng sở, ban, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp, Trung tâm Xúc tiến thương mại, Liên minh Hợp tác xã và UBND các huyện, thành phố...

Triển khai thực hiện Đề án TCCNNN giai đoạn 2016-2020, nông nghiệp, nông thôn tỉnh Đồng Tháp đã có những thay đổi tích cực trên nhiều lĩnh vực, trong đó tăng trưởng ngành nông nghiệp tiếp tục được giữ vững; cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng gắn kết với thị trưởng tiêu thụ thông qua việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác liên kết gắn với xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Đồng Tháp; xây dựng và triển khai thực hiện tốt các chính sách thí điểm khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực khác, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng nông thôn.

Có thể nói, trong giai đoạn vừa qua, Đồng Tháp là tỉnh tiên phong chuyển đổi kinh tế và được xem là tỉnh thành công điển hình trong thực hiện Đề án TCCNNN cả nước. Tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được của tỉnh trong thực hiện TCCNNN, phát huy hơn nữa lợi thế, tiềm năng của Đồng Tháp, tận dụng cơ hội trong bối cảnh mới, đồng thời đưa ra những định hướng, giải pháp chuyển đổi nông nghiệp trong thời gian tới, tỉnh đã và đang tổ chức tham vấn nhiều chuyên gia, nhà quản lý, các ngành, các cấp... để hoàn chỉnh “Đề án TCCNNN tỉnh Đồng Tháp giai giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”. Theo đó, nông nghiệp Đồng Tháp phát triển theo hướng sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, chuyển mạnh từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, phát triển kinh tế nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; tập trung phát triển và xây dựng các chuỗi ngành hàng chủ lực, có tiềm năng, thế mạnh...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn