Nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng cá tra
Cập nhật ngày: 22/02/2022 17:06:37
ĐTO - Ngày 22/2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Tháp tổ chức tọa đàm phát triển chuỗi giá trị ngành hàng cá tra. Tham dự tọa đàm có đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ, Hiệp hội Cá tra Việt Nam, các sở, ngành tỉnh và doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra trên địa bàn tỉnh.
Vùng nuôi cá tra nguyên liệu
Theo Sở NN&PTNT, Đồng Tháp có vùng nuôi cá tra lớn nhất vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Năm 2021, toàn tỉnh có 1.182 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, sản xuất được 18.700 triệu cá tra bột và 1.123 triệu cá tra giống. Diện tích thả nuôi cá tra thương phẩm là 2.100ha với 42% diện tích nuôi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và tương đương. Sản lượng cá tra trên 486 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 763,8 triệu USD và xếp hàng thứ 4 cả nước. Có 22 DN chế biến và xuất khẩu cá tra sang 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, thị trường lớn, khó tính.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành hàng cá tra của tỉnh đang đối mặt với không ít thách thức. Theo đó, chất lượng con giống suy giảm, nguồn cung chưa đáp ứng thiếu ổn định; tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi còn lỏng lẻo; giá cá biến động liên tục, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn sản xuất còn gặp nhiều khó khăn; ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng chưa được quan tâm đúng mức… Bên cạnh đó, sức ép về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, các rào cản thương mại, yêu cầu kỹ thuật của thị trường các nước nhập khẩu ngày càng khắc khe hơn; hệ thống phân phối tiêu thụ, logistic còn nhiều hạn chế...
Tại buổi tọa đàm, đại diện các chuyên gia, viện, trường chia sẻ nhiều ý kiến quan trọng để nâng cao hiệu quả phát triển chuỗi ngành hàng cá tra. Trong đó, đề xuất việc vận hành theo chuỗi khép kín từ nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ; áp dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ vào trong sản xuất và chế biến, giảm giá thành và nâng cao giá trị gia tăng.
Trong khâu nuôi nên sử dụng thức ăn công nghiệp thay nguồn thức ăn tự chế để giảm hệ số tiêu tốn thức ăn, hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh; sử dụng chế phẩm sinh học làm ổn định chất lượng nước và nền đáy trong ao nuôi, nâng cao sức khỏe và sức đề kháng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn. Đồng thời, sử dụng vắc xin trong phòng chống dịch bệnh; chú trọng phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng...
NHẬT NAM