Để nông dân “ăn nên làm ra” từ du lịch nông nghiệp

Cập nhật ngày: 29/09/2019 06:00:35

ĐTO - Với những thế mạnh đặc thù về nông nghiệp, Đồng Tháp là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, để có thể “ăn nên làm ra” với ngành công nghiệp không khói thì chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng với người nông dân.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia thì đột phá trong tư duy được xem là cú hích quan trọng có thể giúp nông dân dễ thành công hơn với mô hình kinh tế mới này.


Nông dân tăng thu nhập nhờ bán nông sản tại chỗ

Khi nông dân làm du lịch

Chỉ sau hơn 4 năm kể từ khi Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp chính thức được khởi động, du lịch của tỉnh Đồng Tháp chính thức bước sang một trang mới. Ngày nay, đến với du lịch Đồng Tháp, du khách không chỉ được ngắm nhìn, thăm thú mà người dân Đồng Tháp còn biết cách giữ chân du khách bởi những sản phẩm dịch vụ mang đậm chất nông nghiệp miệt vườn. Thời gian gần đây, nhận thấy được cơ hội đột phá của địa phương đã đến, nhiều nông dân Đồng Tháp bắt đầu chuyển sang phát triển du lịch nông nghiệp bên cạnh “luống cày” bao đời của mình.

Anh Võ Dương Khương - chủ điểm tham quan vườn trái cây, ẩm thực Minh Phát ở xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh Tâm sự: “Là người thích khám phá nên tôi đi du lịch rất nhiều. Sau những chuyến đi, trở về tôi bắt đầu trăn trở, thật ra có những vùng đất tôi đi qua, điều kiện về tự nhiên, con người, họ không có tiềm năng nổi trội hơn so với quê hương của mình, nhưng người dân ở xứ đó vẫn có thể sống khỏe nhờ phát triển du lịch. Tôi tự hỏi vì sao người ta làm được còn mình thì không, từ những trăn trở đó và được sự hun đúc tinh thần của lãnh đạo tỉnh, đầu năm 2019, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư nhiều hạng mục cho khu vườn của mình để phát triển dịch vụ du lịch”.

Từ làm nông nghiệp rồi chuyển sang phát triển dịch vụ du lịch thật sự là những điều rất mới mẻ với gia đình của anh Khương. Cuộc sống của gia đình gần như bị xáo trộn. Ban đầu, các thành viên trong gia đình chưa quen với kiểu “làm dâu trăm họ”, tuy nhiên mỗi ngày qua đi, mỗi du khách mang đến những điều thú vị mới cho gia đình, đến bây giờ, các thành viên trong gia đình anh Khương đều có chung ý chí là quyết tâm làm du lịch.

Trong 2 năm trở lại đây, mô hình điểm tham quan vườn trái cây được mở ra khá nhiều tại Đồng Tháp. Nhiều chủ vườn chia sẻ, dù mới gắn bó với loại hình kinh doanh này nhưng thật sự đã bị nghề du lịch hấp dẫn. Anh Lê Văn Tây - chủ vườn táo Út Nhàn, xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh - một trong những nhà vườn tâm đắc với mô hình du lịch nông nghiệp tâm sự: “Trước đây, 12 công đất (1 công khoảng 1.300m2) của gia đình chủ yếu làm rẫy, trồng xen cây công nghiệp ngắn ngày. Làm quần quật cả năm nhưng mỗi năm doanh thu từ ruộng rẫy chỉ khoảng 100 -120 triệu đồng. Nhưng cũng diện tích đó, khoảng 4 năm trước, gia đình tôi mạnh dạn chuyển sang trồng táo, rồi kết hợp thêm phát triển du lịch, nhờ đó thu nhập của gia đình cũng được cải thiện hơn trước. Năm 2018 vừa qua, tổng doanh thu trên diện tích là trên 300 triệu đồng, cao hơn trước đây nhiều. Làm du lịch thì chỉ cực vào dịp lễ, Tết nhưng so ra thì khỏe hơn chỉ chuyên tâm làm ruộng rẫy nhiều”.

“Biết người biết ta...”

Thật ra, du lịch nông nghiệp vẫn còn là khái niệm mới mẻ đối với nhiều nông dân ở Đồng Tháp, tuy nhiên mô hình du lịch này đã được nhiều tỉnh, thành lân cận của Đồng Tháp như: An Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Tiền Giang... khai thác nhiều năm trước đây. Tại một số quốc gia trên thế giới như: Hà Lan, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... thì du lịch nông nghiệp thật sự được ví như một “mỏ vàng”, được Chính phủ xem là ngành kinh tế mũi nhọn và ưu tiên nhiều chính sách để phát triển.

Nhìn ở góc độ nội tại phải thừa nhận rằng, nông dân Đồng Tháp cực kỳ nhạy bén với những biến đổi của thị trường. Biết nắm bắt cơ hội “thuận nước đẩy thuyền” để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp tốt hơn. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ du lịch chuyên nghiệp, thì mô hình du lịch nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp hãy còn rất non trẻ, phải tiếp tục không ngừng hoàn thiện.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Lực - chuyên viên Trung tâm Xúc tiến thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, người có nhiều năm gắn bó trong việc hỗ trợ các điểm du lịch phát triển chuyên nghiệp cho biết, thời gian qua, mô hình du lịch nông nghiệp như một “làn gió mới” khi làm thay đổi về tư duy phát triển du lịch cho người dân ở tỉnh Đồng Tháp. Nhiều hộ dân đã thành công với mô hình kinh tế kiểu mới này. Tuy nhiên, vẫn còn một vài điểm vẫn chưa gặt hái được thành công. Một trong nhiều nguyên nhân khiến cho việc đầu tư khai thác du lịch của các hộ dân đó không được như mong đợi là: không phân kỳ giai đoạn đầu tư, không duy trì mô hình sản xuất nông nghiệp song song với phát triển du lịch, thiếu nhân lực chuyên nghiệp để phục vụ du lịch, sản phẩm dịch vụ du lịch chưa tạo được sự thu hút với du khách...

Cũng chia sẻ về những hạn chế của du lịch nông nghiệp tỉnh nhà, theo bà Bùi Thị Trúc Hà - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Đồng Tháp thì Đồng Tháp có những điểm thu hút du khách nổi tiếng mà không ở đâu có sản phẩm tương tự với mình. Ví dụ, các đoàn khách đến Đồng Tháp thường đặt tour qua công ty chúng tôi để được được trải nghiệm những sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương như: tham quan Đồng Sen Tháp Mười, vườn hoa kiểng ở Sa Đéc, vườn xoài ở huyện Cao Lãnh... Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì hầu hết các điểm tham quan nông nghiệp của địa phương hiện vẫn còn ở quy mô nhỏ và manh mún; các điểm tham quan chưa liên kết được với nhau thành chuỗi nên sản phẩm ở từng nơi có phần na ná nhau, chưa tạo được sức hút đối với khách du lịch...

Nói như vậy, không có nghĩa là du lịch nông nghiệp của tỉnh không có triển vọng phát triển, bằng chứng là có nhiều hộ nông dân đã “đào được vàng” từ “mỏ vàng” du lịch nông nghiệp. Song bà con nông dần cần phải biết ưu điểm và hạn chế của chính mình để có thể đầu tư bài bản và có định hướng hơn đối với ngành công nghiệp không khói.


Làng hoa Sa Đéc, một trong những điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp

Sẵn sàng để cất cánh

Chia sẻ về định hướng phát triển của ngành du lịch tỉnh nhà, ông Ngô Quang Tuyên - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp cho biết: “Để chuyển từ tư duy làm nông nghiệp thuần túy đến tư duy làm kinh tế nông nghiệp là cả một quá trình và sự đột phá của người nông dân. Điều cần thiết nhất là Nhà nước phải tạo cơ chế phù hợp, xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thiện giúp người dân thuận lợi trong việc phát triển du lịch. Kể từ khi Đề án phát triển Du lịch tỉnh Đồng Tháp được vận hành, tỉnh đã dành nhiều chính sách giúp ngành du lịch tỉnh nhà phát triển. Cụ thể như, nhiều công trình giao thông, cơ sở hạ tầng đã được tỉnh quan tâm đầu tư, xây dựng, góp phần tạo nên diện mạo mới cho nông thôn, từ đó tạo đà cho ngành du lịch “cất cánh”.

Từ chỗ mạnh ai nấy làm, rời rạc, nhỏ lẻ, thời gian gần đây, nhiều nông dân làm du lịch đã liên kết lại cùng nhau thực hiện, điển hình là mô hình Hội quán cùng nhau làm du lịch ở TP.Sa Đéc. Sự liên kết này giúp ngành du lịch của TP.Sa Đéc nói riêng, tỉnh Đồng Tháp nói chung giải quyết được nhiều nút thắt trong phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Ngoài ra, điều này cũng cho thấy một bước tiến mới trong tư duy làm kinh tế của người nông dân. Từ việc liên kết với nhau, các hộ làm du lịch nông nghiệp ở làng hoa Sa Đéc đã giúp nhau hoàn thiện dịch vụ hơn và “chiếc bánh lợi ích” cũng mang lại hiệu quả hơn gấp nhiều lần.

Nếu so “người đi trước” thì du lịch Đồng Tháp hãy còn non trẻ nhưng so với chính mình thì du lịch Đồng Tháp hiện đã thật sự tạo được nhiều sự đột phá. Trong năm 2018, Đồng Tháp chính thức đón 3,6 triệu lượt khách, 9 tháng đầu năm 2019, du lịch Đồng Tháp tiếp tục tạo được dấu ấn khởi sắc, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch ước đạt 2,8 triệu lượt khách (trong đó có 70.000 lượt khách quốc tế), tăng 12,39% so với cùng kỳ; tổng doanh thu ước đạt 700 tỷ đồng, tăng 18,21% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện toàn tỉnh có trên 80 điểm du lịch cộng đồng chính thức đi vào hoạt động, góp phần làm phong phú thêm cho bản đồ du lịch tỉnh nhà.

Với những kết quả đáng khích lệ trên, có thể tin tưởng rằng, ngành du lịch của tỉnh nhà đang khai thác đúng hướng và du lịch nông nghiệp thật sự là tiềm năng, thế mạnh cần được khai thác và phát huy hơn nữa trong thời gian tới.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn