Điểm sáng cho nông sản đồng bằng sông Cửu Long tại thị trường châu Âu

Cập nhật ngày: 11/11/2021 13:18:39

http://baodongthap.com.vn/database/video/20211111011938dt2-6.mp3

ĐTO - Châu Âu là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất thế giới, quy mô khoảng 35 tỷ Euro/năm, trong đó nhu cầu với rau quả nhiệt đới, rau quả hiếm lạ ngày càng cao. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào thị trường EU chỉ đạt khoảng 150 triệu USD, tương đương 0,36% lượng nhập khẩu của khối, cho thấy dư địa phát triển còn rất lớn. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA có hiệu lực, tạo nền tảng pháp lý và động lực thúc đẩy xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng.


Nông dân thu hoạch nhãn (Ảnh tư liệu).
Ảnh: Mỹ Nhân

Dung lượng thị trường lớn

Ông Trần Văn Công - Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại châu Âu cho biết, nông sản Việt đã đáp ứng được các yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm cao nhất thế giới, yêu cầu về kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), dán nhãn, môi trường, trách nhiệm xã hội, thương mại công bằng, phát triển bền vững... Rõ ràng, vị thế nông sản Việt đã được khẳng định vững chắc tại EU. Việt Nam không chỉ phát triển mở rộng xuất khẩu sang EU, mà thông qua thị trường EU để làm giấy chứng nhận thông hành cao cấp chứng minh trình độ sản xuất nông sản Việt Nam, trình độ liên kết các nhóm hàng Việt Nam đã đến cấp độ đi đến bất kỳ thị trường khắt khe nào trên thế giới. Từ đó, mở rộng quá trình tổ chức sản xuất tạo sinh kế, lợi nhuận cho bà con nông dân.

Thị trường EU luôn là thị trường lớn và tiềm năng, cơ hội lớn để nông sản Việt thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường EU, với giá bán cao. Tuy nhiên, ông Trần Văn Công cũng lưu ý, thị trường EU có nhiều đối thủ cạnh tranh, EU luôn là thị trường khắt khe nhất thế giới, không phải là cái chợ mà ai muốn bán gì thì bán. Do đó để khai thác tốt vào EU đòi hỏi sản xuất nông nghiệp cần phải thay đổi mạnh mẽ căn bản hơn nữa. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân cần được phổ biến cụ thể về các quy định của EU trong sản xuất, chế biến. Đẩy nhanh việc áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận mà thị trường EU đang áp dụng rộng rãi và các tiêu chuẩn mới như môi trường, xã hội (Global GAP, MSC, ASC, Rainforest Aliance, UTZ, 4C, Fairtrade, Bio EU...).

Đồng Tháp hiện có khoảng 35.000ha trồng cây ăn trái. Một số loại cây ăn trái có diện tích lớn và sản lượng cao như: xoài với diện tích hiện hơn 12 ngàn ha, sản lượng trái thu hoạch 140 ngàn tấn; quýt diện tích hiện có hơn 2.300ha, sản lượng thu hoạch khoảng 70 ngàn tấn; nhãn là 5.600ha với sản lượng 60 ngàn tấn... Ngoài ra, sen cũng là sản phẩm đặc trưng của Đồng Tháp với sản lượng tương đối lớn, từ cây sen đã chế biến ra hơn 20 sản phẩm. Thời gian qua, ngoài việc tổ chức sản xuất theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng liên kết chuỗi, củng cố hợp tác xã thì ngành nông nghiệp tỉnh đã tham gia nhiều hoạt động kết nối trong các khâu sản xuất, chế biến, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản... Qua đó, tạo mối “liên kết - hợp tác” chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và bà con nông dân.

Chấp nhận nghĩ khác, làm khác

Vừa qua, tại buổi đối thoại với các doanh nhân và đại sứ là đại diện cho các ngành hàng nông sản quan trọng của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ câu chuyện khi ông còn làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. Trong một lần tiếp xúc với một Tập đoàn Úc đang đầu tư tại Đồng Tháp, người điều hành tập đoàn này có chia sẻ ở nước ngoài không biết về từng tỉnh riêng lẻ ở đồng bằng sông Cửu Long. Mekong Delta đã thành bài học địa lý, phải kích hoạt hình ảnh phải nghĩ khác làm khác đi. Bộ trưởng nhắc đến khái niệm “VUCA” (Biến động - Không chắc chắn - Phức tạp - Mơ hồ), vì thế đòi hỏi một mặt phải thích nghi, một mặt cần nghĩ khác. “Có lẽ không có từ nào bằng từ thích nghi trong bối cảnh thay đổi liên tục. Người ta nói trong bối cảnh đó, đừng ai nghĩ mình lúc nào cũng “nắm cán”, tức là đừng nghĩ lúc nào mình cũng thành công hay mình chiến thắng... Bắt buộc phải ẩn mình một chút để chuẩn bị lại, vươn lên” - Bộ trưởng nói.

Bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, tiềm năng của các mặt hàng chế biến tại thị trường châu Âu không hề kém các sản phẩm tươi. Do đó, bà Ngô Tường Vy cho rằng, cần xây dựng chiến lược cho các sản phẩm rau quả chế biến. Trong thời gian xảy ra dịch Covid-19 vừa qua, Chánh Thu đã chuyển sang kinh doanh các mặt hàng chế biến và đạt được thành công ngoài mong đợi, cụ thể là sầu riêng Ri 6 đông lạnh. Để khai thác tiềm năng của thị trường châu Âu, bà  Ngô Tường Vy cũng đề cập đến vấn đề các doanh nghiệp cần liên kết với nhau, cùng nhau tìm giải pháp đáp ứng các tiêu chuẩn để đưa sản phẩm Việt Nam chinh phục thị trường châu Âu. Hiện nay, doanh nghiệp Chánh Thu đang rà soát để tìm thêm một số hợp tác xã ở Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre để liên kết chuỗi cung cứng trái cây xuất khẩu. Ngoài ra, sản phẩm mít của Đồng Tháp cũng được khách hàng Trung Quốc đánh giá rất cao. Trong kế hoạch của doanh nghiệp Chánh Thu, đơn vị sẽ xây dựng điểm thu mua tại Đồng Tháp cho 3 sản phẩm chính là xoài, sầu riêng và mít, trong đó xoài sẽ phục vụ cho các thị trường Mỹ và Australia.

Nguyệt Đỗ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn