Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó trong bối cảnh suy thoái kinh tế

Cập nhật ngày: 25/04/2023 14:26:07

ĐTO - Trong những tháng đầu năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp (DN) phải đối mặt với những áp lực lớn khi chi phí logistic, vật tư đầu vào tăng, nhu cầu tiêu dùng từ thị trường giảm mạnh... Để chèo lái “con thuyền” vượt “bão” suy thoái kinh tế, cộng đồng DN Đất Sen hồng đề ra nhiều giải pháp ứng phó...


Các doanh nghiệp may mặc thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong các quý cuối năm

Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, tình hình xuất khẩu hàng hóa của tỉnh những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn. Các DN phải đối mặt với nhiều áp lực cùng lúc như: tình trạng suy thoái, lạm phát được bộc lộ ngày càng rõ nét, giá nguyên vật liệu tăng cao, trong khi chi tiêu của người dân ngày càng thắt chặt, các đơn hàng sụt giảm... Để duy trì sản xuất, một số DN thực hiện giải pháp hoạt động cầm chừng hoặc cho người lao động nghỉ làm thứ Bảy, Chủ nhật, nghỉ luân phiên theo chuyền.

Hoạt động sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, dẫn đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 3 của tỉnh ước đạt 118,51 triệu USD, tăng 16,46% so với tháng trước và giảm 28,99% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 320 triệu USD, bằng 74,24% so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, nhóm hàng hóa thuộc lĩnh vực thủy sản đông lạnh, bánh phồng tôm và các sản phẩm chế biến sau gạo, sản phẩm ngành may, sản phẩm giày da... là nhóm sản phẩm xuất khẩu gặp khó khăn nhiều trong những tháng đầu năm 2023.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hiện nay, nhu cầu thế giới chưa có tín hiệu phục hồi do kinh tế vĩ mô thế giới vẫn ở trạng thái bất định, chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu và tiêu dùng nói chung sụt giảm gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu ngành dệt may. Do đó, xuất khẩu ngành may quý I đạt 26 triệu USD, bằng 65,24% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Lê Văn Của - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Khang Thịnh, phường An Bình A, TP Hồng Ngự, cho biết: “Giá nguyên phụ liệu tăng, không có nhiều đơn đặt hàng mới là tình trạng khó khăn chung của các DN may mặc hiện nay. Riêng tại Công ty TNHH May mặc Khang Thịnh, so với cùng kỳ quý I năm 2022, năm nay, xuất khẩu của đơn vị chỉ đạt 30%. Hiện tại, để có thể duy trì guồng máy, công ty nhận thêm nhiều đơn đặt hàng may gia công. Đây được xem là giải pháp tình thế nhằm tạo việc làm cho người lao động. Để có thêm đơn đặt hàng mới, DN đang thực hiện nhiều chương trình xúc tiến, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các thị trường mới tiềm năng. Hiện chúng tôi cũng nhận được một số đơn đặt hàng mới sản xuất sản phẩm phục vụ cho thị trường dịp thu đông”.

Đối với các DN xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm trang trí nội thất... cũng chịu tác động tiêu cực từ bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Ông Nguyễn Hữu Hiếu - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Artex Đồng Tháp, xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, cho biết: “Thị trường xuất khẩu của DN chủ yếu là thị trường EU và Mỹ. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế dẫn đến sức mua sắm, tiêu dùng ở các thị trường này giảm sút đáng kể. Điều này tác động mạnh đến tình hình xuất khẩu của Công ty cổ phần Artex Đồng Tháp trong những tháng đầu năm. So với cùng kỳ quý I năm 2022, sản lượng hàng hóa xuất khẩu của công ty giảm khoảng 30%. Để giải quyết khó khăn, DN thực hiện nhiều giải pháp, đầu tư nghiên cứu phát triển nhiều dòng sản phẩm mới có sức hút nhằm tăng khả năng cạnh tranh, thực hiện các chương trình ưu đãi dành cho đối tác lâu năm, tăng cường tìm kiếm đối tác mới, mở rộng thị trường...”.

Với những dự báo nền kinh tế quý II và quý III còn tiếp tục khó khăn, Sở Công Thương đề ra nhiều giải pháp thiết thực trong việc đồng hành và hỗ trợ cộng đồng DN vượt qua khó khăn, phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư mới để sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động, tạo đà tăng trưởng cho toàn ngành...

Đồng thời, trong quý II, Sở Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, xăng dầu để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm không xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung hàng hóa, gây bất ổn thị trường. Mặt khác, thực hiện hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng...

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn