Chuyện đồng - Chuyện ruộng

Doanh nghiệp và tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp

Cập nhật ngày: 02/06/2015 16:06:43

LTS: Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan vừa có bài viết nêu lên sự cần thiết trong liên kết của doanh nghiệp và nông dân trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Báo Đồng Tháp trân trọng giới thiệu bài viết này của đồng chí Bí thư tỉnh ủy.

Liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ chính là cứu cánh trong tổ chức lại ngành Nông nghiệp. Nông dân cần tiêu thụ nông sản sau mỗi vụ mùa, doanh nghiệp cần vùng nguyên liệu ổn định để cung ứng ra thị trường. Diện tích sản xuất liên kết trong Tỉnh ngày càng tăng đã minh chứng điều đó. Nhưng thật chạnh lòng, mùa vụ nào cũng có trục trặc trong mối liên kết. Và sau mỗi vụ việc như vậy, thường có sự quy kết lỗi thuộc về một phía: "doanh nghiệp phản kèo", "doanh nghiệp bội tín",... Mối liên kết vừa hình thành đã mong manh, dễ vỡ. Thay vì đổ lỗi, hãy nhìn nhận lại một cách công bằng hơn!

Một trong những điểm yếu của nền nông nghiệp là sản xuất tự phát, không theo quy luật thị trường. Nhưng tín hiệu thị trường ở đâu là một câu hỏi đánh đố người sản xuất. Chỉ có doanh nghiệp, thông qua hoạt động "mua và bán" biết rõ thị trường cần gì? cần như thế nào? cần bao nhiêu? và mức giá nào được chấp nhận! Họ nhận tín hiệu thị trường, từ đó định hướng để người nông dân sản xuất theo những chuẩn mực phù hợp. Đã có doanh nghiệp trong Tỉnh đem giống lúa về đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu, lai tạo, khảo nghiệm để đặt hàng hợp tác xã, người nông dân sản xuất, sau đó thu mua đưa ra thị trường. Đó là một trong những phương cách để nâng cao giá trị nông sản, từ đó nâng cao lợi nhuận cho người nông dân.

Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp là một quá trình nâng dần lòng tin giữa nông dân và doanh nghiệp. Trong quá trình đó, đừng để tư duy "trọng nông, khinh thương" vẫn còn vương vấn đâu đó chi phối. Mỗi bên có sức mạnh riêng, có nhiệm vụ riêng, bổ sung cho nhau. Đừng làm hằng sâu thêm hố ngăn cách với những luồng suy nghĩ: doanh nghiệp "chiếu trên" hưởng lợi còn nông dân "chiếu dưới" luôn chịu thua thiệt. Theo dõi thông tin hàng ngày, nông dân thấy rằng giá cả nông sản được bày bán, chào giá trên thị trường chừng ấy chừng ấy, trong khi doanh nghiệp thu mua với giá chừng này chừng này. Mâu thuẫn nhau từ đây; và cũng từ đây, những tranh chấp "lúa khô hay lúa ướt", "cân tại ruộng hay cân tại nhà máy" luôn xảy ra ở đâu đó, mùa này vụ kia.

Để đưa được nông sản ra thị trường, doanh nghiệp cần một chuỗi hoạt động: thu mua - tồn trữ - bảo quản - chế biến, đóng gói bao bì; xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường. Để hàng hoá chen chân vào nơi "trăm người bán vạn người mua", họ phải đầu tư bao nhiều nguồn lực, vốn cố định, vốn lưu động: chi phí xây dựng, chi phí khấu hao, chi phí quảng bá thương hiệu, chi phí thị trường, biết bao loại thuế và phí... Nói như vậy để thấy rằng, người nông dân "một nắng hai sương" làm ra nông sản thì doanh nghiệp cũng "lao đao, lận đận" để đưa nông sản đến với thị trường. Người nông dân gặp phải những rủi ro vì thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, thì doanh nghiệp cũng đối mặt với khắc nghiệt của thị trường: hàng rào kỹ thuật, biến động giá cả, cạnh tranh khốc liệt, hàng hoá tồn kho, áp lực lãi suất ngân hàng... Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, doanh nghiệp cũng cần quan tâm nâng cao văn hoá doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nên định kỳ tổ chức cho người nông dân - những người trực tiếp sản xuất ra nguồn nguyên liệu đầu vào - tham quan quy trình sản xuất, để thấu hiểu hơn những khoản đầu tư, những "lao tâm khổ tứ" của doanh nghiệp kết tinh vào sản phẩm nông nghiệp thô, để tạo ra giá trị gia tăng ngày càng nhiều hơn, chứ không phải doanh nghiệp chỉ "ngồi mát ăn bát vàng", "ăn trên, ngồi trước".

Trong tiến trình tổ chức lại nền nông nghiệp, chúng ta mong muốn người sản xuất và doanh nghiệp cùng chia sẻ lợi nhuận, cùng chia sẻ rủi ro. Đừng để một chênh vênh nhỏ làm rạn nứt mối liên kết có tính cộng sinh. Con đường tiến tới doanh nghiệp nông nghiệp có sự tham gia của nông dân và doanh nghiệp là đích đến, nhưng nhanh hay chậm luôn và sẽ luôn nằm ở lòng tin, độ sẵn lòng từ cả hai phía. Trách nhiệm đó thuộc về các cấp uỷ đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó, một lần nữa có vai trò của Hội Nông dân. Tất nhiên, các phương tiện truyền thông không thể đứng ngoài cuộc!

Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh uỷ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn