Đòn bẩy từ xây dựng chuỗi liên kết ngành hàng

Cập nhật ngày: 28/12/2023 04:44:55

http://baodongthap.com.vn/database/video/20231228044549DT2-8.mp3

 

ĐTO - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, cung cấp sản lượng lớn phục vụ xuất khẩu của nước nhà. Tuy nhiên, hiện nay, vùng ĐBSCL đang chịu tác động nặng nề về biến đổi khí hậu toàn cầu. Để nông nghiệp vùng ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững cần xây dựng chuỗi liên kết trong và ngoài vùng. Đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp trong thời gian tới.


Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Phước Tuyên tư vấn kỹ thuật canh tác lúa theo hướng hữu cơ cho nông dân

Gắn kết sản xuất  nông nghiệp và chế biến

Thời gian qua, liên kết chuỗi ngành hàng mở ra hướng đi tích cực, giúp cho đầu ra nông sản được rộng mở, gắn kết sản xuất nông nghiệp và chế biến thêm chặt chẽ. Từ đó, thu hút nhiều nông dân và doanh nghiệp tham gia, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Từ thực tiễn cho thấy, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL thực hiện khá tốt liên kết chuỗi ngành hàng trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, các tỉnh khu vực ĐBSCL có nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, mô hình logistics, mô hình liên kết dọc, liên kết ngang từ khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chế biến mang lại hiệu quả rõ nét về kinh tế, xã hội, môi trường.

Cụ thể, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã liên kết với nông dân sản xuất hàng chục nghìn hecta lúa chất lượng cao, có quy trình sản xuất, chỉ dẫn nguồn địa lý, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được thị trường nhiều nước đánh giá cao. Tập đoàn Trung Sơn, Tập đoàn Việt Úc liên kết sản xuất ngành tôm với quy mô lớn, kỹ thuật nuôi hiện đại, sạch, năng suất và hiệu quả cao phát huy lợi thế so sánh của vùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, nhanh theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó, Hợp tác xã Tân Hiệp Phát liên kết trồng chuối xuất khẩu ở các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ của TP Cần Thơ; mô hình “Vườn chuối triệu đô” của ông Võ Quan Huy - Công ty Huy Long An cũng mang lại nhiều kết quả nổi bật. Đặc biệt, thời gian qua, mô hình Hội quán tỉnh Đồng Tháp góp phần thay đổi tư duy cho người nông dân từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Bà con nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ theo tập quán đến tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác với doanh nghiệp đầu tư và tiêu thụ sản phẩm. Đây là những mô hình sản xuất quy mô lớn, theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, giảm áp lực di dân về các đô thị lớn để tìm việc làm...

Tuy nhiên, những kết quả nổi bật lại chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Hiện nay, nông nghiệp phát triển thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng giảm dần, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất, quy mô sản xuất nhỏ phân tán; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng hàng nông sản thấp. Bên cạnh đó, lượng nông sản sản xuất ra nhiều nhưng thiếu nơi tiêu thụ, dẫn đến điệp khúc “được mùa mất giá”...


Nông dân xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh tham quan mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ

Hoàn thiện chuỗi liên kết ngành hàng

Từ những khó khăn trên, vấn đề được đặt ra cấp thiết hiện nay là đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, nông dân. Trong đó, cần nhanh chóng xây dựng mối liên kết chuỗi ngành hàng và vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung.

Trong thời gian tới, để hoàn thiện chuỗi liên kết ngành hàng trong nông nghiệp, cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp. Cụ thể như: nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý cho các bên để thực hiện liên kết hiệu quả trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo hướng hoàn thiện chính sách tích tụ ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp; hoàn thiện hệ thống pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực nông nghiệp trên tinh thần nâng cao tính pháp lý ràng buộc trách nhiệm dân sự giữa các bên tham gia. Nhà nước cần hướng dẫn và giám sát các bên tham gia thực hiện có hiệu quả quá trình liên kết để hạn chế những hiện tượng phá vỡ mối liên kết; ban hành văn bản quy phạm pháp luật về chế tài xử lý tranh chấp đối với các hợp đồng thu mua nông sản...

Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức về mọi mặt cho người nông dân, nhất là kiến thức về khoa học, công nghệ, năng lực tổ chức quản lý sản xuất, kiến thức pháp luật và sự am hiểu về kinh tế thị trường. Trước mắt, cần tập trung đào tạo nghề, đào tạo hướng nghiệp và nâng cao khả năng ứng dụng khoa học công nghệ sát với từng vùng quy hoạch, ngành nghề cụ thể phục vụ trực tiếp cho quá trình tổ chức, sắp xếp lại lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đồng thời cần xác định rõ chính quyền địa phương phải là người giữ vai trò quyết định trong tổ chức và điều phối hiệu quả quá trình liên kết; tạo những điều kiện tốt nhất để các đối tượng liên kết làm tròn trách nhiệm của mình. Trong quá trình liên kết cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và lợi ích của từng đối tượng.


 Liên hiệp Hội tuyên truyền sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác khoai môn cho nông dân xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò

Song song đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho doanh nghiệp và nông dân hiểu được ý nghĩa to lớn của việc xây dựng mối liên kết chuỗi ngành hàng, hiệu quả kinh tế - xã hội của việc liên kết. Từ đó, khuyến khích nông dân tham gia và thực hiện tốt nghĩa vụ trong quá trình liên kết, thực hiện tốt hợp đồng kinh tế.

Mặt khác, thực hiện đa dạng hóa các hình thức liên kết, hoàn thiện các mô hình liên kết hiện có; xây dựng những mô hình liên kết mới phù hợp với từng địa phương, từng lĩnh vực, từng mặt hàng cụ thể. Sớm tập trung xây dựng và kiện toàn một số mô hình nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ trong từng vùng sản xuất nông sản tập trung, có khối lượng hàng hóa lớn theo quy hoạch. Trong đó, lấy doanh nghiệp chế biến làm nòng cốt, đầu tàu hướng dẫn, giúp đỡ các nông hộ, tổ chức kinh tế tập thể và các thành phần kinh tế khác sản xuất hàng hóa theo vùng chuyên canh nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu...

PHẠM HÒA - PHƯƠNG HUỲNH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn