Đồng Tháp sẵn sàng trên con đường hội nhập

Cập nhật ngày: 13/12/2016 06:56:58

Hội nhập kinh tế quốc tế là một chủ trương nhất quán và là nội dung trọng tâm trong chính sách đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế của Đảng ta trong quá trình đổi mới đất nước. Với Đồng Tháp, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại những mặt tích cực.

Về kinh tế, Đồng Tháp có mức tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực I, tăng tỷ trọng khu vực II và khu vực III. Ước tính tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2016 đạt 6,38%. Nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, đi dần vào chiều sâu, tỉnh đang thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đề án bước đầu đạt được một số kết quả nhất định, tích cực thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia, tăng nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn dưới nhiều hình thức, mở ra nhiều triển vọng phát triển mạnh về quy mô và giá trị sản xuất nông nghiệp. Công nghiệp tiếp tục phát triển nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại do khó khăn chung về kinh tế nên ước tính chỉ tăng 6,39% so với năm 2015. Hoạt động thương mại duy trì phát triển, mặc dù thị trường có nhiều biến động nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng khá, ước năm 2016 tăng 11%. Xuất khẩu hàng hóa duy trì tốc độ tăng trưởng nhưng do tình hình tiêu thụ các mặt hàng nông sản gặp khó khăn nên ước tính năm 2016 chỉ tăng 0,18%, đạt 776 triệu USD.

Đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Đồng Tháp đã có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hoạt động du lịch phát triển tốt, nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch đã được thực hiện gắn với các lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao; tỉnh đang thực hiện Đề án phát triển du lịch với mục tiêu đến năm 2020, du lịch Đồng Tháp tổ chức đưa, đón và phục vụ 3,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 900-1.000 tỷ đồng, vươn lên top đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015 được xếp thứ 2 trong cả nước, duy trì vị trí của năm 2014 và liên tiếp trong 8 năm nằm trong top 5. Về thu hút đầu tư, đến nay tổng số dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư là 285 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư là 27.633 tỷ đồng...

Về văn hóa - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại: Môi trường văn hóa được cải thiện và có một số mặt tiến bộ. Giáo dục đào tạo đạt được những kết quả quan trọng, quy mô chất lượng đào tạo, dạy nghề tăng khá, thu hẹp về khoảng cách chất lượng giáo dục giữa nông thôn và thành thị, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Hoạt động khoa học - công nghệ tiếp tục tăng về quy mô, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng dần yêu cầu phát triển của địa phương. Công tác bảo vệ môi trường được thực hiện khá tốt, đến nay trên địa bàn tỉnh không phát sinh điểm nóng về cơ sở, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về môi trường nghiêm trọng. Quốc phòng, an ninh được tiếp tục củng cố, an ninh biên giới được bảo đảm ổn định. Công tác đối ngoại được duy trì, củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới thông qua hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư; nhiều đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc và tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư: Hoa Kỳ, Nga, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Irael, Campuchia... Tỉnh cũng đã tổ chức nhiều đoàn thăm và làm việc tại hội nghị, hội chợ xúc tiến đầu tư tại các nước trên thế giới như: Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Hà Lan, Bỉ, các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Lào, Campuchia...

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh có những khó khăn, hạn chế. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế giảm so với nhiều năm trước; huy động vốn đầu tư của các thành phần kinh tế chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nhất là thu hút FDI gặp nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng về giao thông còn hạn chế. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế; năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh nói chung còn thấp. Cuối cùng, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, doanh nhân chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Việc tận dụng các cơ hội có được trong FTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Đồng Tháp còn thấp, việc nắm bắt và khai thác, tận dụng tốt các C/O (chứng nhận xuất xứ) ưu đãi chưa được các doanh nghiệp chú ý quan tâm đúng mức.

Thời gian tới, Đồng Tháp tập trung một số nhiệm vụ và giải pháp để phát triển kinh tế trong tiến trình hội nhập. Cụ thể, tiếp tục quán triệt chủ trương của Đảng về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; triển khai kịp thời có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết về Quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020, đặc biệt tăng cường chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường liên kết vùng trong việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch thu hút đầu tư và danh mục các dự án kêu gọi đầu tư. Xác định những ngành, lĩnh vực, dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp chế biến, kết cấu hạ tầng...; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh, tập trung triển khai các dự án được hỗ trợ của quốc tế, tích cực thu hút doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tăng nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn dưới nhiều hình thức, mở ra nhiều triển vọng phát triển mạnh về quy mô và giá trị sản xuất nông nghiệp; triển khai Đề án phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2015-2020. Hình thành các sản phẩm du lịch mới như du lịch trải nghiệm, homestay, làng nghề... Thực hiện tốt Đề án giới thiệu hình ảnh địa phương, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu Đồng Tháp;...

Trúc Tươi

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn