Đồng Tháp: Sự cần thiết phải thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp

Cập nhật ngày: 12/02/2014 04:40:47

Đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp đã cơ bản được thông qua và bắt đầu triển khai thực hiện trong năm 2014. Đây được xem là bước đột phá trong phát triển nông nghiệp chiều sâu của tỉnh Đồng Tháp. Để hiểu hơn những giải pháp trọng tâm của tái cơ cấu nông nghiệp, Báo Đồng Tháp đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp.


Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn Đồng Tháp

Phóng viên: Có một sự trùng hợp khá ngẫu nhiên đó là trong thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã xem việc tái cơ cấu nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong năm 2014, thì Đồng Tháp lại là tỉnh tiên phong trong cả nước thực hiện gấp rút thông điệp này. Thưa ông, vì sao Đồng Tháp lại đẩy nhanh việc tái cơ cấu như vậy?

Ông Nguyễn Văn Công: Đồng Tháp là một tỉnh thuần nông đi lên từ nông nghiệp với hai thế mạnh là sản xuất lúa gạo vào thủy sản, bên cạnh đó còn có cây ăn trái, hoa màu, chăn nuôi... Thực hiện đường lối đổi mới, sau 30 năm khai thác Đồng Tháp Mười, nền nông nghiệp Đồng Tháp có bước phát triển vượt bậc, đóng góp to lớn vào thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp những năm gần đây đang giảm dần và bộc lộ những hạn chế yếu kém của một nền nông nghiệp dựa trên kinh tế hộ manh mún, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Cụ thể, đối với cá tra sau nhiều năm phát triển tốt cũng bắt đầu có dấu hiệu giảm đi khi chỉ số đóng góp GDP của tỉnh giảm dần. Riêng đối với lúa gạo, thời gian gần đây cũng bắt đầu có sự khủng hoảng nhất định. Chính điều đó, tỉnh nhận thấy rằng, sau 30 năm khai thác Đồng Tháp Mười, tỉnh đã đưa nông nghiệp đi hết chiều rộng, không còn đất để mở rộng quy mô nữa. Đất để sản xuất nông nghiệp chỉ có 210 ngàn hécta. Do đó để đưa nông nghiệp đi vào chiều sâu, tái cơ cấu nông nghiệp là một nhu cầu cấp thiết nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao và mối quan hệ sản xuất và tiêu thụ phải bền vững.

Phóng viên: Mục tiêu và những nội dung trọng tâm khi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp là gì?

Ông Nguyễn Văn Công: Mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp Đồng Tháp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp dựa trên đổi mới tổ chức sản xuất; đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ; chuyên môn hóa và tạo việc làm ổn định cho nông dân, chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp; nâng cao thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới.

Từ mục tiêu này, chúng tôi đã định hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới sao cho phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh trên cơ sở cơ cấu lại nội bộ ngành, cơ cấu lại lao động, áp dụng khoa học công nghệ với kết cấu hạ tầng đồng bộ; sản xuất gắn với tiêu thụ trên cơ sở phát huy vai trò của kinh tế hợp tác, liên kết đa dạng. Mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Nội dung chính của tái cơ cấu sẽ được triển khai thực hiện cụ thể trên 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh gồm “3 cây và 2 con” đó là: lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra và vịt, trong đó có 2 ngành hàng mang tầm quốc gia là lúa gạo, cá tra. Đề án cũng hướng tới mục tiêu phân bổ lại lao động, tạo việc làm mới, trong đó bao gồm việc làm ngoài nước, trong, ngoài tỉnh và tại chỗ nhằm nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa mức sống và điều kiện sống giữa cư dân nông thôn và đô thị.

Phóng viên: Khi đi đầu cả nước trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những thuận lợi và khó khăn mà Đồng Tháp lường trước là gì và đâu là lời giải cho những vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Công: Thuận lợi đầu tiên là Đồng Tháp triển khai tái cơ cấu trong bối cảnh tái cơ cấu chung của nền kinh tế quốc gia. Động thái tái cơ cấu này vừa là nhu cầu khách quan vừa xuất phát từ ý định chủ quan trên cơ sở thực trạng sản xuất nông nghiệp của Đồng Tháp đặt ra.

Bên cạnh đó, Đồng Tháp còn có thuận lợi là bắt đầu có những mô hình doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và xây dựng chuỗi gắn kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Từ đây tín hiệu về kinh tế hợp tác, sự liên kết giữa những người nông dân với nhau và nông dân với doanh nghiệp đã hình thành và có sự lan tỏa nhanh, không còn xu hướng như những năm trước đây là mỗi hộ sản xuất riêng lẻ, tự phát theo tập quán. Bây giờ họ đang hình thành sản xuất có tổ chức.

Về khó khăn, theo tôi, đó là việc thay đổi tập quán sản xuất. Nhìn chung bà con đồng thuận, nhưng trên mỗi cánh đồng chỉ cần 10 - 20% bà con không đồng thuận cũng gây rất khó khăn cho triển khai tái cơ cấu.

Thứ hai là khó khăn về vấn đề nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, tuy hiện nay Chính phủ, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nhưng có nhiều chính sách không phù hợp, thiếu sự đồng bộ và khó đi vào thực tế nên chưa giải quyết được bài toán phát triển nông nghiệp bền vững.

Để giải quyết những khó khăn này, chúng tôi phân ra từng giai đoạn, thực hiện từng phần việc cụ thể, trong đó giai đoạn đầu (2014-2015) sẽ tập trung thực hiện 3 vấn đề chính đó là: Định hình những ngành hàng có lợi thế cạnh tranh cao (gồm 5 ngành hàng); tập trung nâng cao chất lượng kinh tế hợp tác và liên kết các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến nông sản đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh; kiến nghị, đề xuất đến Trung ương, tỉnh những chính sách hỗ trợ nông nghiệp phù hợp. Đồng thời tập huấn lại cho người nông dân bằng việc trang bị cho họ những kiến thức cơ bản về làm nông nghiệp, vì người làm nông nghiệp bây giờ không thể phát triển nông nghiệp theo cách cũ của một “lão nông tri điền” mà phải là những “trí nhân tri điền” trên từng mảnh ruộng của mình.

Phóng viên: Theo chủ trương, Đồng Tháp thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với mô hình liên kết, tuy nhiên thực tế cho thấy đã có không ít vướng mắc xảy ra giữa doanh nghiệp và nông dân. Vậy khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thì yêu cầu đi tìm mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp cho từng địa phương có phải là vấn đề cấp thiết hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Công: Đúng là thời gian qua có tình trạng này. Nghị quyết 26 của Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã thực hiện được 5 năm nhưng nhiều mô hình cụ thể có cái được, có cái còn ách tắc. Vì vậy, trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng tôi đã bàn thảo định vị lại các công việc. Trong đó, quán triệt phải bắt đầu từ những việc nhỏ, mỗi việc làm đều phải có kết quả cụ thể và kết quả theo từng giai đoạn cụ thể, không làm theo kiểu phong trào.

Đồng Tháp khẳng định tái cơ cấu nông nghiệp phải xuất phát từ chính cơ sở, từ người nông dân.

Đặc biệt, tỉnh sẽ không áp dụng đồng phục cho mọi mô hình, mà tùy vào từng địa phương cụ thể, tùy thực tiễn để làm. Trước đây có những phong trào đã làm nhưng không giữ vững được là vì có sự áp đặt một mô hình chung cho nhiều địa phương, trong khi mỗi địa phương có đặc thù riêng. Hay như khi chúng ta làm kế hoạch từ trên xuống dưới. Nay, cánh đồng liên kết chúng tôi cho làm xuất phát từ xã lên huyện, rồi lên tỉnh. Tức làm theo một quy trình ngược với trước đây, nhưng thực chất đó mới là xuôi. Vậy nên, khi xây dựng mô hình để thực hiện tái cơ cấu, chúng ta phải xuất phát từ người nông dân, từ cơ sở thực tiễn chứ không phải xây dựng ra mô hình rồi áp đặt từ trên xuống bắt họ phải làm theo.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Mỹ Nhân
(Thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn