Đồng Tháp tiếp tục đồng hành với phong trào khởi nghiệp
Cập nhật ngày: 29/12/2020 17:05:03
ĐTO - Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào khởi nghiệp tỉnh nhà phát triển, tỉnh đẩy mạnh thực hiện các hoạt động hỗ trợ giúp các startup tự tin trên bước đường khởi nghiệp...
Các sản phẩm khởi nghiệp của tỉnh từng bước hoàn thiện về chất lượng, mẫu mã
Với định hướng hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh có thêm kiến thức về khởi sự kinh doanh, quản trị, nâng cao năng lực DN, các sở, ban, ngành và địa phương triển khai nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức với nhiều chủ đề phong phú, phù hợp với nhu cầu, vướng mắc thực tiễn của DN. Đồng thời giúp DN nâng cao năng lực, thích nghi và phát triển trong giai đoạn “bình thường mới” hậu Covid-19.
Là cầu nối giúp phong trào khởi nghiệp phát triển, Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp và Khởi nghiệp tỉnh phối hợp đơn vị, đối tác tổ chức nhiều chương trình đào tạo, tập huấn cho các DN, dự án khởi nghiệp có những góc nhìn mới trong kinh doanh, tìm cơ hội mới, nâng cao năng lực. Ngoài ra, đơn vị còn chủ động kết nối với các Vườn ươm khởi nghiệp Đắc Lắc và Huế trong công tác thông tin nâng cao năng lực khởi nghiệp. Kết nối với các đơn vị: Vườn ươm DN Công nghệ cao (SHTP-IC), Khu Công nghệ Phần mềm – Đại học Quốc gia TP.HCM (ITP), Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc để tìm kiếm cơ hội, nguồn lực hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp Đồng Tháp.
Để các sản phẩm của tỉnh nhà từng bước hoàn thiện, Sở Công Thương cũng tổ chức khóa tập huấn, tư vấn và khảo sát, học tập kinh nghiệm về xây dựng, phát triển nhãn hiệu, bao bì sản phẩm dành cho DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Qua đó, các DN được nghe các chuyên gia tư vấn về cách xây dựng, quản lý, bảo hộ, khai thác bao bì, nhãn hiệu; xu thế phát triển kiểu dáng bao bì, các mẫu dáng bao bì được ưa chuộng. Giúp các DN, cơ sở sản xuất tiếp cận sâu kiến thức truyền tải; chương trình còn kết hợp khảo sát, học tập kinh nghiệm thực tế về trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại siêu thị, trung tâm thương mại trong tỉnh.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo phong phú với các chuyên đề về khởi nghiệp để phát triển các sản phẩm của địa phương như: “Hướng dẫn chế biến các món ăn từ xoài”, “Hướng dẫn chế biến các món ăn từ nấm rơm, hoa huệ”...
Với chủ trương đồng hành cùng DN, tỉnh tạo lập nhiều kênh kết nối, tương tác để hỗ trợ DN, khởi nghiệp. Mô hình Cà phê Doanh nhân - DN tại khuôn viên UBND tỉnh được thực hiện rất hiệu quả. Chủ động nắm bắt sâu sát hơn tình hình của các DN, lãnh đạo tỉnh thường xuyên tổ chức gặp gỡ DN, dự án khởi nghiệp tại trụ sở đơn vị, chương trình Cà phê Doanh nhân - DN ở các huyện, thị xã, thành phố, khu – cụm công nghiệp.
Hình thức này được các DN đồng tình, ủng hộ thể hiện sự chủ động của chính quyền địa phương trong việc tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của DN. Qua đó, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan cùng các DN chia sẻ kế hoạch phát triển, định hướng kinh doanh. Đồng thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động; động viên DN vượt qua trở ngại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tạo môi trường thuận lợi để các startup phát triển, UBND tỉnh ký kết hợp tác chiến lược với Quỹ Hỗ trợ Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) nhằm triển khai chương trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương trong giai đoạn 2020 – 2025. Qua đó góp phần thu hút các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp và tạo nên giá trị cộng hưởng mạnh mẽ để thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nhằm góp phần truyền cảm hứng khởi nghiệp, phát hiện, hoàn thiện các sản phẩm và nâng cao chuỗi giá trị, nhiều cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp được tổ chức rộng rãi trên địa bàn tỉnh. Nổi bật là Cuộc thi Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp năm 2020 vừa khép lại với số lượng 163 dự án tham dự. Cuộc thi năm nay được các startup đầu tư, mang nhiều yếu tố mới lạ, độc đáo. Nhiều dự án hướng đến ứng dụng công nghệ vào sản xuất, có góc nhìn mới lạ trong việc biến khó khăn, thách thức thành những cơ hội mới.
Tạo cầu nối cho các dự án khởi nghiệp phát triển, nhiều địa phương và đơn vị thành lập mới các Câu lạc bộ khởi nghiệp. Đây được xem là mái nhà chung, nơi kết nối các ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp của các startup trong và ngoài tỉnh.
Khẳng định mục đích chính của việc cải thiện môi trường đầu tư là vì “sự lớn mạnh và sự thịnh vượng của cộng đồng DN”, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh và nhận được sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng DN, nhà đầu tư. Về cơ bản, các chỉ tiêu về thời gian trong giải quyết thủ tục hành chính tại tỉnh thuộc các lĩnh vực như: khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, nộp thuế, bảo hiểm xã hội, thông quan qua biên giới... đều được đảm bảo.
Thời gian qua, công tác xúc tiến đầu tư được tỉnh tập trung thực hiện. Tỉnh tổ chức buổi gặp gỡ với hơn 100 DN, doanh nhân tại TP.Hồ Chí Minh để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương và kêu gọi đầu tư. Tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với Tập đoàn T&T; tiếp và làm việc với Tập đoàn Novaland về dự án Khu đô thị thông minh Blue Dragon, Khu làng nghề du lịch Bùi Thanh Thủy tại huyện Hồng Ngự; tiếp và làm việc với Tập đoàn JMC đến tìm hiểu đầu tư nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu tại Đồng Tháp...
Xác định “đầu ra” sản phẩm là yếu tố sống còn của DN, tỉnh đẩy mạnh nhiều hoạt động, chương trình kết nối cung cầu, giao thương, xúc tiến thương mại hỗ trợ cho các DN, dự án khởi nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm khởi nghiệp, đặc sản của tỉnh còn kết nối tham gia các tuần hàng đặc sản của trang thương mại điện tử Tiki, Lazada, Shopee...
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, tỉnh xem DN là yếu tố then chốt trong phát triển kinh tế, vì vậy rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Theo đó, các ngành, địa phương cần xây dựng các chương trình hỗ trợ nhằm phát triển DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ; hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp theo chiều sâu nhằm kích thích mỗi người dân vươn lên, hình thành đội ngũ doanh nhân mới...
Y DU