Đồng Tháp từ “khuất nẻo” đến “vạn nẻo”

Cập nhật ngày: 04/02/2021 09:35:39

ĐTO - Từ chỗ được mệnh danh là địa phương “khuất nẻo” bởi sự chia cắt của địa hình tự nhiên, giờ đây Đồng Tháp nổi lên như thương hiệu về thu hút đầu tư trong và ngoài nước tìm đến gắn bó lâu dài và hơn thế nữa...


Lễ cắt băng khánh thành cầu Cao Lãnh, phá thế khuất nẻo địa lý cho Đồng Tháp. 
Ảnh: Lục Tùng

Đất lành cho doanh nghiệp

Năm 2018, trong lễ khánh thành Nhà máy thức ăn chăn nuôi Mavin Austfeed tại Cụm công nghiệp Cái Tàu Hạ (huyện Châu Thành) có tổng đầu tư hơn 30 triệu USD, ông David John Whitehead - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mavin - đã chia sẻ lý do chọn Đồng Tháp làm “đại bản doanh”: “Môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, thông thoáng, thủ tục hành chính nhanh gọn, các cấp chính quyền và người dân ủng hộ tối đa đã khiến tôi cảm thấy về Đồng Tháp như về nhà. Ở đây không có sự xa cách giữa lãnh đạo và doanh nghiệp (DN) mà như những người bạn, có cùng chí hướng và cam kết vì sự phát triển của địa phương”. Không chỉ trải thảm đỏ đón “ngoại lực”, Đồng Tháp còn tỏa sức hấp dẫn vượt trội khiến DN địa phương lân cận tìm đến. Hơn thế nữa, sau thời gian gắn bó, cả hai cảm thấy hài hòa và tiếp tục phát triển dài lâu. Điển hình là Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn. Sau thời gian có tên trong danh sách dẫn đầu thế giới về xuất khẩu cá da trơn, giờ Vĩnh Hoàn tiếp tục dẫn đầu về khai thác chiều sâu giá trị của cá da trơn khi “biến tấu” nguyên liệu cá da trơn thành hàng chục món ăn nhanh chất lượng cao. Bà Trương Thị Lệ Khanh, sáng lập và Chủ tịch Vĩnh Hoàn được Tạp chí Tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong số 25 nữ doanh nhân quyền lực châu Á năm 2020. Đây là hai trong số nhiều DN trong làn sóng tìm đến Đồng Tháp trong những năm gần đây “ăn nên làm ra”. Tuy nhiên, theo ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – đáng mừng hơn là không chỉ thu hút được “ngoại lực” , Đồng Tháp còn tạo điều kiện cho “nội lực” phát huy. Bằng nhiều cách truyền lửa, Đồng Tháp đã tạo ra phong trào khởi nghiệp cả chiều rộng lẫn chiều sâu thông qua những con số biết nói: 5 năm gần đây, bình quân Đồng Tháp có hơn 500 DN thành lập mới/năm. Tính đến năm 2020, toàn tỉnh có 4.200 DN đang hoạt động với tổng vốn đăng ký là 40.170 tỷ đồng. Hiện Đồng Tháp có 73.362 hộ kinh doanh hoạt động với tổng vốn kinh doanh là 8.362,2 tỷ đồng. Tất cả cho thấy Đồng Tháp như đất lành của DN. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới khi Đồng Tháp đang dồn sức tạo dựng cơ sở hạ tầng với những “con số biết nói”: nâng cấp, đầu tư mới các tuyến QL 30, N1, N2, tuyến Mỹ An - Cao Lãnh, đường cao tốc Hồ Chí Minh, đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh; nâng cấp các tuyến vận tải thủy kết hợp đầu tư nâng cấp bến cảng, bến thủy nội địa nhằm phục vụ các khu - cụm công nghiệp và phát triển logistics, xây dựng mới các khu công nghiệp: Tân Kiều (Tháp Mười) Ba Sao (Cao Lãnh)...

Vượt lên chính mình

“Việc kết nối giao thông, đưa cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống vào hoạt động chỉ là điều kiện cần, điều khiến Đồng Tháp đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư tìm đến chính là tư duy năng động trong quản lý, điều hành của những người lãnh đạo nơi đây”- GS.TS. Võ Tòng Xuân – người có nhiều năm gắn bó với Đồng Tháp trong hợp tác nghiên cứu - đúc kết. Theo GS. Xuân, những năm gần đây, Đồng Tháp nổi lên như hiện tượng của cả nước khi địa phương này sáng tạo ra nhiều cách làm năng động. Điều này không chỉ giúp Đồng Tháp vượt lên chính mình mà còn “mở cửa vận hội” cho các nhà đầu tư tìm đến với mục đích kép: Sản xuất ra sản phẩm, tạo ra cơ hội việc làm cho lao động tại chỗ. Nói cách khác, Đồng Tháp không chỉ xóa được thực trạng “khuất nẻo” mà còn chủ động mở ra “vạn nẻo”và sẵn sàng chào mừng tất cả những nhà đầu tư tìm đến gắn bó... Với phương châm hành động “Tiềm năng của chúng tôi – cơ hội của bạn”, những năm qua, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã không ngừng sáng tạo ra nhiều cách làm mới để vươn lên khỏi bất lợi của vị thế địa lý. Ông Lê Minh Hoan - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, người được xem như “kiến trúc sư” của công cuộc đổi mới ở Đồng Tháp những năm gần đây - chia sẻ: “Ý thức được Đồng Tháp không có nhiều lợi thế thiên nhiên như nhiều tỉnh trong khu vực nên chúng tôi vượt lên chính mình bằng cách nỗ lực tạo ra lợi thế từ con người để rút ngắn khoảng cách”. Đây chính là động lực để lãnh đạo tỉnh thường xuyên chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, cải tiến phương thức làm việc với mục tiêu giảm tối đa thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và thiết kế mới nhiều kênh thông tin kết nối. Trong đó độc đáo và hiệu quả thiết thực nhất là mô hình Cà phê DN, tổ chức điểm gặp mặt từng DN để lắng nghe “lời gan ruột” cũng như chỉ đạo các ngành liên quan xem xét, giải quyết bức xúc của DN trong một “nốt nhạc”... Ngoài ra, tỉnh thành lập Trung tâm Hỗ trợ DN và khởi nghiệp nhằm huy động các chương trình, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và tỉnh về phát triển DN và các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ hoạt động xúc tiến đầu tư và nhất là hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp dưới nhiều hình thức phong phú và đa dạng như: lồng ghép với nhiều nội dung vào một số chương trình: đặc sản Đất Sen hồng, Bé Sen vui vẻ, các phiên chợ nông sản an toàn định kỳ, hội chợ hàng Việt về nông thôn... Đồng thời ứng dụng công nghệ để hỗ trợ như: xây dựng Website Khởi nghiệp và trang fanpage “Đàn Sếu khởi nghiệp”... Điều này không chỉ giúp Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đồng Tháp nhiều năm liên tiếp giữ vững vị trí trong nhóm dẫn đầu, đặc biệt là 12 năm liên tục nằm trong nhóm các tỉnh, thành có chất lượng điều hành “rất tốt” của cả nước; là địa phương duy nhất trên cả nước có mức độ cải thiện ổn định, các chỉ số thành phần tăng dần qua các năm... mà còn tạo ra cho các nhà đầu tư niềm tin về vùng đất lành để chọn mặt gởi vàng.


Trân trọng, đãi ngộ... doanh nghiệp của Đồng Tháp đã góp phần phá thế khuất nẻo về mặt thu hút đầu tư của Đất Sen hồng

Hướng tới nền nông nghiệp thông minh

“Ý thức được nông nghiệp vẫn là lợi thế để tạo ra sự khác biệt, nên Đồng Tháp xác định sẽ dồn sức thực hiện chiến lược phát triển mới. Đó là xây dựng nền nông nghiệp thông minh”- Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong bày tỏ định hướng phát triển của Đồng Tháp giai đoạn hướng tới sự kiện trọng đại của đất nước: năm 2045, kỷ niệm 100 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo ông Phong, trước dấu mốc lịch sử đó, mỗi người dân Việt Nam đều sẽ đặt cho mình nhiều kỳ vọng, mong muốn về sự phát triển của đất nước, sự phồn vinh của dân tộc, về việc tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và thế giới, để khát vọng về một Việt Nam mạnh mẽ “sánh vai cường quốc năm châu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm trở thành hiện thực. Là địa phương còn nhiều tiềm năng về nông nghiệp, vì vậy để sớm vươn tới khát vọng đó, đòi hỏi mỗi người dân Đồng Tháp nỗ lực, phấn đấu, chung sức, chung lòng, cùng nhau kết thành sức mạnh tổng hợp ngay từ năm 2021 để đi nhanh, về đích sớm... Bởi theo ông Phong, năm 2021 có ý nghĩa hết sức quan trọng: không chỉ là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, năm đòi hỏi sự chuyển mình mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực để tiếp tục vượt khó khăn, thách thức, tận dụng mọi cơ hội, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh để vươn lên, bứt phá, hoàn thành không chỉ nhiệm vụ của năm mà còn là thời điểm quan trọng tạo thế và lực cho chặng đường dài phía trước. Vì thế, trước hết Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Đồng Tháp hòa chung tâm thế thật tốt cho sự phát triển của Đất Sen hồng theo định hướng: Kinh tế- xã hội phát triển nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng sống của Nhân dân, xây dựng nền văn hóa và con người Đồng Tháp “Nghĩa tình, năng động, sáng tạo” là những mục tiêu hết sức cụ thể cho chặng hành trình đầu tiên của Đồng Tháp, chinh phục khát vọng phát triển mạnh mẽ của tỉnh. Cụ thể, theo ông Phong, bên cạnh tiếp tục xây dựng chính quyền thân thiện, cầu thị, minh bạch, phục vụ Nhân dân, luôn đồng hành cùng DN; tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách, cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, duy trì vị trí nhóm dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mà địa phương đã liên tiếp gặt hái thời gian qua..., Đồng Tháp sẽ kiên trì thúc đẩy tính chủ động, thay đổi tư duy của người nông dân trong sản xuất, từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, tăng cường kết nối, liên kết, hình thành các chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm địa phương.... Để từ đó hướng tới nền nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh đang chuyển động mạnh mẽ trên nhiều cánh đồng, vườn trái cây, ao nuôi cá, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, mang lại nhiều lợi ích, giá trị mới. Hành trình này không chỉ đưa người nông dân có cuộc sống ngày một ấm no, sung túc, hạnh phúc hơn, mà từ những nền tảng khai phóng lợi thế nông nghiệp, Đồng Tháp tiếp tục tăng tốc trên đường trở thành địa phương có sức hấp dẫn, thu hút cộng đồng khởi nghiệp, phát triển DN, nhất là DN trẻ, gắn kết nguồn lực và tham gia chuỗi các ngành hàng chủ lực của địa phương. “Đồng Tháp đã và đang nỗ lực, quyết tâm chuyển mình mạnh mẽ từ mỗi người dân, mỗi ngành, mỗi địa phương ngay từ năm đầu của nhiệm kỳ để chung tay hiện thực hóa khát vọng Việt Nam phát triển, giàu mạnh hôm nay, cho thời điểm trọng đại 100 năm ngày giành độc lập dưới sự lãnh đạo của Đảng và cho sự phát triển bền vững cho Tổ quốc muôn đời sau”- ông Phong nhấn mạnh.

Tất cả như nền tảng để Đồng Tháp vươn cao, bay xa hơn nữa, tiếp tục lan tỏa sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến phát triển gắn bó lâu dài và hơn thế nữa.

Lục Tùng

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn