Nông dân tăng thu nhập nhờ khai thác giá trị nông sản

Cập nhật ngày: 30/01/2021 06:10:26

ĐTO - Chọn hướng đi khác biệt, tập trung phát triển sản phẩm có chất lượng, tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều nông dân, hợp tác xã (HTX) Đồng Tháp đã kiếm bộn tiền và tạo được dấu ấn riêng trên thị trường.


Lãnh đạo Hợp tác xã rau an toàn Long Thuận kiểm tra sản phẩm dưa khắc chữ

Thay vì chỉ sản xuất một mặt hàng rau phục vụ thị trường, 2 năm gần đây nhận thấy muốn nâng cao giá trị nông sản, việc đa dạng hóa sản phẩm là rất quan trọng, nên ngoài việc sản xuất rau an toàn, HTX rau an toàn xã Long Thuận đã dành diện tích để trồng dưa lưới và nghiên cứu cách làm dưa khắc chữ đưa ra thị trường, đem lại thu nhập đáng kể cho thành viên. Đưa chúng tôi đi tham quan hơn 1.000m2 trồng dưa lưới (2 nhà lưới) cho vụ Tết Tân Sửu của HTX, ông Dương Minh Sang - Giám đốc HTX rau an toàn Long Thuận, huyện Hồng Ngự cho biết, đây là năm thứ 2, HTX sản xuất dưa lưới. Nếu so sánh về hiệu quả kinh tế với rau thì lợi nhuận gấp 2 lần. Cụ thể, năm ngoái với 1.000m2, giá bán 40.000-45.000 đồng/kg, trừ chi phí có thể thu được lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng. Năm nay thời tiết thuận lợi, dưa trúng hơn năm rồi với sản lượng khoảng 4.000 trái (riêng dưa khắc chữ được khách hàng đặt mua 180 cặp), nếu giá bán như năm ngoái sẽ đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho HTX.

Bên cạnh bán dưa lưới thương phẩm, nhận thấy những năm gần đây nhu cầu trưng bày, biếu, tặng trái cây độc, lạ trở nên thịnh hành, HTX đã học hỏi cách làm và tung ra thị trường Tết sản phẩm dưa lưới khắc chữ độc, lạ đến tay người tiêu dùng. “Qua khảo sát thị trường và thị hiếu người tiêu dùng, năm nay, HTX tiếp tục đưa ra các mẫu dưa khắc chữ, khách hàng ưa chuộng đó là khắc chữ tài, lộc. Ngoài ra, một số mẫu như logo của công ty, doanh nghiệp hay tên riêng do khách hàng đặt khắc cũng được HTX làm theo yêu cầu. Theo tính toán của HTX, khoản thu từ các sản phẩm phục vụ thị trường Tết là không nhỏ đối với thành viên”, ông Sang nói.

Do thấy được nhu cầu của người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm độc, lạ, có chất lượng nên anh Nguyễn Văn Hoàng, ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò đã chuyển đổi toàn bộ 3.000m2 bưởi da xanh sang trồng theo hướng hữu cơ, đồng thời khai thác giá trị cây trồng bằng việc nghiên cứu đưa ra thị trường sản phẩm bưởi “thỏi vàng tài – lộc” chưng Tết. Việc này đã đem lại cho anh kết quả rất đáng phấn khởi, sản phẩm được thị trường chấp nhận. Đặc biệt từ việc đưa ra sản phẩm mới, bưởi thương phẩm được khách hàng nườm nượp đặt mua chứ không phụ thuộc thương lái như năm trước. Anh Hoàng trồng bưởi đã được hơn 3 năm. Thời gian trước, anh chủ yếu bán cho thương lái theo giá thị trường, tuy nhiên, việc buôn bán cũng khá khó khăn. Nhận thấy, những năm gần đây trưng bày, biếu trái cây độc, lạ trở nên thịnh hành, sau thời gian tìm hiểu trên mạng internet, anh Hoàng đã quyết định làm thử bưởi thỏi vàng chưng Tết đưa ra thị trường. Thời gian đầu thất bại, đến vụ Tết năm 2021 này, anh đã áp dụng thành công và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện gần 200 cặp bưởi thỏi vàng của anh đã được bạn bè, các cơ quan đặt mua hết. Còn vườn bưởi da xanh chưng Tết của anh, thương lái cũng ngỏ ý bỏ cọc thu mua hết nhưng anh không bán vì còn chờ giá Tết.


Anh Hoàng cùng vợ bên sản phẩm bưởi chưng Tết của mình

Anh Hoàng chia sẻ: “Để có được một trái bưởi đẹp đâu phải chuyện đùa, gần như phải ăn ngủ với nó từ lúc ép khuôn đến lúc thu hoạch. Về đặc điểm, trái bưởi của tôi ép khuôn nổi chữ cả 2 mặt (1 bên chữ tài, 1 bên chữ lộc) và độ dày chữ nổi lên đến 5 phân nên chữ rất rõ. Bên cạnh đó, tôi còn trang trí giỏ đựng trái bưởi rất bắt mắt, được nhiều khách hàng hài lòng. Thời gian tới, tôi tiếp tục nghiên cứu những loại sản phẩm mới đưa ra thị trường, kết hợp với việc làm du lịch sinh thái phục vụ khách. Việc này, làm tăng giá trị cho nông sản của mình, tạo nét đặc sắc riêng”.

Anh Lê Hồng Xuân, xã Tân Thuận Đông, TP.Cao Lãnh lần đầu tiên trồng nho và cho nho lên chậu cho biết, so với cách trồng thông thường nho lên chậu khó chăm sóc hơn nhiều, các công đoạn tưới nước, tạo tán, xử lý ra hoa, trái... phải canh đúng thời điểm. Cùng với đó, thời gian chăm sóc để cho ra một chậu cây hoàn chỉnh cũng lâu hơn trồng cây dưới đất. Tuy nhiên, những khó khăn đó bù lại bằng việc giá cả nho lên chậu cao hơn gấp nhiều lần so với trồng thông thường. Mỗi chậu có giá từ 1,5-4 triệu đồng. Qua đó cho thấy giá trị nông sản đã tăng rất nhiều lần nếu chúng ta biết tạo ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu cũng như nhu cầu.

Có thể thấy, nếu biết nắm bắt và sản xuất theo thị trường, người nông dân có thể làm giàu được từ những sản phẩm nông sản. Và, thực tế đã có không ít nông dân Đồng Tháp biết khai thác giá trị từ nông sản, tạo ra những sản phẩm mới, lạ đưa ra thị trường đem lại nguồn thu nhập không nhỏ.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn