Dự án GIC hỗ trợ nông dân trồng lúa, xoài nâng cao lợi nhuận

Cập nhật ngày: 20/10/2023 21:09:54

Chiều ngày 20/10, Ban Quản lý dự án Các Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh tỉnh Đồng Tháp (gọi tắt là Ban Quản lý Dự án GIC tỉnh Đồng Tháp) tổ chức Hội nghị sơ kết các hoạt động Dự án GIC trên địa bàn tỉnh.

Dự án GIC là giải pháp có ý nghĩa quan trọng mở ra cho người sản xuất lúa gạo và trồng xoài hướng đi mới trong chuỗi giá trị ngành hàng an toàn, chất lượng, tiếp cận với tư duy kinh tế nông nghiệp theo hướng sinh thái, bền vững, giảm phát thải nhà kính.


Ông Huỳnh Tất Đạt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc 
Dự án GIC tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại hội nghị

Tại Đồng Tháp, dự án thực hiện 2 gói hỗ trợ gồm: gói hỗ trợ nâng cao năng lực hợp tác xã và gói hỗ trợ kỹ thuật trên cây xoài và cây lúa. Kết quả, qua hơn 9 tháng triển khai, dự án đã hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, sản xuất và kinh doanh cho 18 hợp tác xã sản xuất lúa gạo; tập huấn kinh doanh cho 537 nông dân; hỗ trợ tập huấn nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo quy trình đạt chuẩn SRP và sản xuất hữu cơ trên ngành hàng lúa gạo và xoài, với hơn 2.500 nông dân tham dự.

Bên cạnh đó, dự án hỗ trợ xây dựng 3 mô hình gồm: mô hình sản xuất kinh doanh giá thể hữu cơ; mô hình sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP (81,5ha); mô hình áp dụng các giải pháp kỹ thuật, tưới nước, bón phân, quản lý bệnh thán thư, tỉa cành, tạo tán, thu hoạch và sơ chế sau thu hoạch trên xoài (quy mô 0,7ha). Kết quả, mô hình giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng ngành hàng lúa gạo, xoài với lợi nhuận sản xuất lúa đạt 26,7 triệu đồng/vụ, doanh thu sản xuất xoài tăng 20% so năm 2022.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá kết quả đạt được, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất những giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện dự án hiệu quả trong thời gian tới…

Dự án GIC Việt Nam do Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tài trợ, được phối hợp thực hiện bởi Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, triển khai thực hiện tại 6 tỉnh, thành: An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, TP Cần Thơ.

Mục tiêu của dự án là hỗ trợ cải thiện thu nhập cho các hộ sản xuất nhỏ, tạo thêm việc làm, nâng cao khả năng chống chịu của các chuỗi giá trị lúa gạo và xoài thông qua các mô hình kinh doanh có tính cạnh tranh. Đồng thời, giảm thiểu tác động môi trường, tạo điều kiện cho các tác nhân tham gia trong chuỗi có thể ứng dụng thành công những đổi mới sáng tạo để phát triển kinh doanh theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao lợi nhuận.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn