Đưa nông sản vào siêu thị - Cần sự nỗ lực từ nhiều phía
Cập nhật ngày: 24/12/2014 13:42:44
Sự kiện Co.opmart Cao Lãnh khai trương ngày 17/12 vừa qua và sự có mặt của nhiều mặt hàng nông sản xuất xứ từ tỉnh Đồng Tháp được tiêu thụ tại hệ thống của Saigon Co.op là một trong những dấu mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển mình của nền sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà. Tuy nhiên, để có được mối quan hệ hợp tác bền lâu giữa Co.opmart nói riêng và các trung tâm thương mại nói chung, các ngành liên quan cần có cái nhìn toàn diện hơn về thực trạng sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Từ đó có những điều chỉnh kịp thời, giúp người nông dân hội nhập và làm quen với hình thức sản xuất mới, hiện đại, phù hợp với yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng.

Tổ hợp tác Rau an toàn Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò
Nhiều cơ hội “mở cửa” cho nông sản Đồng Tháp
Hiện tại, đã có hơn 14 nhà cung cấp (NCC) ở Đồng Tháp kết nối và đưa hàng nông sản của địa phương vào tiêu thụ tại hệ thống của Saigop Co.op như: mận, ổi, quýt đường, chuối, xoài, rau củ quả các loại... Ngoài ra, một số sản phẩm đặc thù của địa phương như: gạo, bún tươi, hủ tiếu khô, thực phẩm chay, các mặt hàng thủy, hải sản nói chung cũng có mặt tại siêu thị Co.opmart Cao Lãnh.
Bà Nguyễn Thị Minh Trang - Giám đốc Co.opmart Cao Lãnh cho biết: “Chúng tôi tạo mọi điều kiện hợp tác với những NCC tại địa phương. Chiến lược sắp tới của Co.opmart Cao Lãnh là sẽ liên kết với các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), NCC ở địa phương nhằm đưa các sản phẩm nông sản của Đồng Tháp vào tiêu thụ rộng rãi ở hệ thống của Saigon Co.op. Do chúng tôi chưa gắn bó lâu dài với các NCC của địa phương nên khi tiếp cận với siêu thị họ vẫn còn ngại về các qui trình, thủ tục, cách thức thanh toán. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Công Thương tỉnh làm việc với các NCC và trực tiếp hướng dẫn một số quy trình với các đơn vị có ý định hợp tác. Chúng tôi rất hi vọng sẽ có thêm nhiều mặt hàng có nguồn gốc tại địa phương được tiêu thụ tại hệ thống của siêu thị”.
Theo khảo sát của chúng tôi, các sản phẩm nông sản nói chung và rau an toàn của Đồng Tháp được tiêu thụ tại Co.opmart Cao Lãnh được khách hàng đánh giá cao. Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy, giáo viên công tác tại Trường THPT Cao Lãnh chia sẻ: “Tôi rất chú ý đến một số loại sản phẩm rau an toàn của Đồng Tháp được bán tại siêu thị. Là sản phẩm rau an toàn, được đóng gói khá bắt mắt, song giá cả lại rất cạnh tranh và đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nên tôi cảm thấy an tâm khi mua các sản phẩm này về chế biến bữa ăn cho gia đình”. Không riêng cô Thủy mà nhiều khách hàng khác cũng có chung quan điểm khi được sử dụng các sản phẩm rau an toàn của địa phương. Đây là tín hiệu vui đối với các THT, HTX sản xuất trái cây, nông sản theo hướng an toàn ở Đồng Tháp. Có nhiều khách hàng quan tâm đến sản phẩm an toàn thì bà con nông dân có thể an tâm sản xuất và áp dụng theo các quy trình mới.

Nhiều mặt hàng nông sản của Đồng Tháp đã có mặt tại siêu thị Co.opmart Cao Lãnh
Vẫn còn nhiều cái khó để nông sản “chen chân” vào siêu thị
Một số yêu cầu và tiêu chuẩn của siêu thị đặt ra không quá khó để các đơn vị có thể đáp ứng, thế nhưng nhiều NCC vẫn chưa thật sự nỗ lực để sản phẩm vào siêu thị. Nông nghiệp của địa phương giàu tiềm năng, nhiều sản phẩm thế mạnh của địa phương được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao, song một thực trạng mà nền nông nghiệp của tỉnh đang vướng phải là còn quá nhỏ lẻ và manh mún. Các tổ chức “đứng mũi chịu sào” giúp người nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất mới, tiếp cận với thị trường có khá ít so với mặt bằng chung. Vì vậy, giá thành nông sản của địa phương vẫn chưa thật sự cạnh tranh với các đơn vị ở địa phương khác. Song song đó, các địa phương đã thành lập được THT, HTX thì hoạt động và nội lực không đủ mạnh, một số nơi chưa hoạt động đúng bản chất của HTX. Do đó, địa phương vẫn chưa có các đơn vị đủ mạnh và chuyên nghiệp để hợp tác cùng với siêu thị và trung tâm thương mại. Vì vậy, trong giai đoạn đầu một số đơn vị cung cấp trong tỉnh khó đảm bảo về số lượng và chất lượng như nhà bán lẻ yêu cầu. Nhiều nông sản của địa phương chưa thực hiện được lịch rải vụ mà chỉ thu hoạch tập trung theo mùa nên rất khó để ký kết cung cấp hàng thường xuyên và liên tục cho siêu thị. Đây là khó khăn chung mà nhiều đơn vị cung cấp nông sản của tỉnh ta đang vướng phải khi hợp tác với Co.opmart.
Thời gian qua, THT Rau an toàn Mỹ An Hưng B là một trong những đơn vị có nhiều nỗ lực trong việc đưa rau an toàn của địa phương vào siêu thị. Anh Đặng Thanh Thống - Tổ phó THT Rau an toàn Mỹ An Hưng B cho biết: “Từ ngày Co.opmart Cao Lãnh khai trương đến giờ, trung bình mỗi ngày đơn vị chúng tôi cung cấp cho siêu thị khoảng 200 - 300kg rau lá và rau quả các loại. Về đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của siêu thị, chúng tôi không gặp nhiều khó khăn nhưng ngược lại ở khâu đóng gói và khả năng cung ứng thì đang gặp một số trở ngại. Do quy mô của THT nhỏ nên chưa có điều kiện đầu tư các máy móc, thiết bị hiện đại như máy sụt ozon, nhà sơ chế... Tất cả các công đoạn sơ chế, đóng gói đều thực hiện thủ công, làm mất nhiều thời gian và công lao động. Do đó, ảnh hưởng đến lợi nhuận và thời gian giao hàng rất nhiều”.
Giải pháp để nông sản Đồng Tháp tiêu thụ bền vững
Nhận định về những giải pháp mà nền nông nghiệp Đồng Tháp cần phải thực hiện trong thời gian tới, ông Phan Kim Sa - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh cho biết: Siêu thị Co.opmart Chi nhánh Cao Lãnh khai trương có tác động tích cực và có ý nghĩa rất lớn đối với việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp tại tỉnh. Từ những yêu cầu của thị trường thông qua hệ thống bán lẻ của siêu thị, người nông dân và các tổ chức THT, HTX sẽ có sự thay đổi trong tư duy sản xuất và có những điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị để phù hợp với đòi hỏi của thị trường. Theo tôi, sắp tới đây để có những sản phẩm chất lượng cao phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, người nông dân cần phải thấy sự liên kết lại với nhau là điều hết sức cần thiết. Vì khi liên kết mới có được những sản phẩm đồng nhất về chất lượng, cùng nhau liên kết thực hiện một qui trình sản xuất mới có thể đảm bảo chất lượng, số lượng, giao đúng thời gian qui định của nhà bán lẻ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đặc biệt là hạ giá thành thì mới có thể cạnh tranh được trên thị trường. Đồng thời, việc rải vụ là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay và sắp tới đây, vì đây không phải là yêu cầu riêng của siêu thị mà là yêu cầu chung của cả thị trường. Trong thời gian tới, tôi nghĩ rằng các sở, ngành cần tham gia mạnh mẽ hơn nữa trong việc hướng dẫn người nông dân tổ chức sản xuất, thực hiện rải vụ đối với nhiều mặt hàng nông sản và phải sản xuất theo yêu cầu của thị trường. Có như thế mới đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân, hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất bền vững.
Mỹ Lý