Hàng Việt Nam song hành với người nội trợ nông thôn
Cập nhật ngày: 26/12/2014 13:08:40
Trong thời gian qua, huyện Tam Nông đẩy mạnh công tác vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (NVNUTDHVN) từng bước đưa hàng nội đi sâu vào đời sống người tiêu dùng. Những mô hình hay như Câu lạc bộ (CLB) NVNUTDHVN của xã Tân Công Sính ra đời, giúp cầu nối giữa hàng Việt và người tiêu dùng ngày càng vững chắc hơn.
Khi xã hội ngày càng phát triển, kéo theo nhu cầu đảm bảo sức khỏe. Người dân ngày càng ý thức hơn, họ mua sắm những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao thay thế cho những hàng hóa ngoại không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng hoặc chứa nhiều chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe...
Xuất phát từ nhu cầu thực tế cũng như sự lan rộng của phong trào NVNUTDHVN, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Tân Công Sính đã cho ra đời CLB NVNUTDHVN. Chia sẻ về ý định thành lập CLB NVNUTDHVN, chị Nguyễn Thị Tú Nguyên - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Công Sính cho biết: “Nhận thấy chương trình người Việt ưu tiên dùng hàng Việt rất thiết thực, trong khi hàng Việt đến với người dân nông thôn chưa được nhiều lắm, nên chúng tôi mạnh dạn thành lập CLB, bắt đầu tại Chi hội Phụ nữ ấp Tân Hưng. Từng bước tuyên truyền sâu rộng cho chị em phụ nữ trong Hội và người dân, nhằm đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều hơn, góp phần ích nước lợi nhà, từng bước khẳng định vị thế hàng Việt trên thị trường”.
CLB sinh hoạt hàng tháng, qua đó tuyên truyền, phổ biến mục đích ý nghĩa của chương trình để chị em cùng đồng hành. Đặc biệt, các buổi sinh hoạt, chủ nhiệm CLB luôn linh hoạt trong các chủ đề tránh sự nhàm chán, tạo không khí sôi nổi mang những kiến thức về hàng Việt đến hội viên dễ dàng. Theo đó, CLB còn mời các chị có kinh nghiệm trong mua sắm hàng Việt chia sẻ việc phân biệt sản phẩm chất lượng cao với đồ dùng kém chất lượng trên thị trường.
Bằng sự nhạy bén với tình hình địa phương, CLB còn thành lập 1 tổ hùn vốn mua sắm hàng Việt với tổng số tiền gần 25 triệu đồng, ưu tiên cho hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ vốn mua sắm hàng Việt trong gia đình như bếp gas, nồi cơm điện... Ngoài ra, chủ nhiệm CLB phối hợp với Hội LHPN xã liên hệ với các đại lý lớn chuyên cung cấp nguồn hàng với giá ưu đãi so với thị trường về bán cho hội viên và bà con. Bên cạnh đó, CLB còn vận động được 1 cửa hàng chuyên bán hàng gia dụng của Việt Nam sản xuất.
Dù mô hình chưa đạt được những kết quả như mong muốn nhưng đây được xem là thành công bước đầu gắn kết người dân đến với hàng Việt. Chị Lê Thị Thùy Xuân - Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Về phương diện tiêu dùng, hàng Việt đã từng bước đáp ứng được nhu cầu cho người nội trợ. Ngoài ra còn nhiều mặt hàng điện, điện tử cũng đáp ứng khá tốt. Qua phong trào này, không chỉ hội viên mà cả người dân cùng đồng hành rất lớn, có 90% người dân tại địa phương dùng hàng Việt. Tôi thấy CLB rất hay vì giúp người dân tiến tới sử dụng hàng chất lượng cao với giá cả phù hợp, qua đó góp phần phát triển nền kinh tế đất nước”.
K.D