Hiệu quả thiết thực từ chương trình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản
Cập nhật ngày: 15/01/2014 06:36:12
Từ sự chủ động trong tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, trong năm 2013, việc triển khai thực hiện mô hình liên kết của tỉnh bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.
Năm qua, đa số hợp tác xã (HTX), bà con nông dân đồng thuận ủng hộ mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Trong năm, số cánh đồng liên kết phát triển nhanh, ổn định, diện tích tăng, thị trường tiêu thụ ổn định và có lợi cho nông dân. Đồng thời doanh nghiệp (DN) cũng đạt được nhiều lợi ích khi thu mua được sản lượng lớn, chất lượng lúa tốt...
Nhiều nông sản, hàng hóa của tỉnh có cơ hội được liên kết tiêu thụ theo
chương trình kết nối cung cầu hàng hóa
Đến tháng 9/2013, mô hình thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo được thực hiện trên 8 huyện (TX.Hồng Ngư, huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Lấp Vò, Tam Nông) tại hơn 30 xã với sự tham gia, liên kết của 3 DN: Công ty lương thực Đồng Tháp; Công ty Võ Thị Thu Hà; Công ty lương thực Tân Hồng. Kết quả, 2 vụ đông xuân và hè thu tổng diện tích cánh đồng liên kết thực hiện trên 14.800ha (kế hoạch 19.909ha), sản lượng lúa tiêu thụ trong mô hình liên kết hơn 82.100 tấn (kế hoạch 117.581 tấn) đạt 69,83%.
Trong năm 2014, nhằm chủ động thực hiện mô hình liên kết đạt kết quả cao, Sở Công Thương đã tổ chức cuộc họp với một số ngành liên quan, UBND các địa phương và các DN xuất khẩu gạo để triển khai thực hiện. Đến thời điểm hiện nay đã triển khai đồng loạt tại 12 huyện, thị, có 27 DN tham gia theo các hình thức: mua lúa theo hợp đồng từ đầu vụ gần 16.700ha; đầu tư tín dụng mua lại sản phẩm gần 6.500ha; đầu tư giống, vật tư nông nghiệp đến cuối vụ thu mua lúa trên 11.600ha. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng chủ động trong chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa Đồng Tháp với thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, Sở Công Thương triển khai cụ thể những hoạt động kết nối với các DN chế biến, phân phối; các trung tâm, siêu thị... của TP.HCM. Từ đây, nhiều nông sản, hàng hóa của tỉnh có cơ hội được liên kết tiêu thụ theo chương trình này như: xoài Cao Lãnh; cá khô Tam Nông; hạt sen Tháp Mười; ớt, gạo thơm nút Thanh Bình; heo hơi, nhãn Châu Thành; khô trâu; nem mắm; các sản phẩm chế biến của Bích Chi, rượu sen,...
Đặc biệt, Sở Công Thương trực tiếp xây dựng 2 mô hình dự án thí điểm liên kết sản xuất, tiêu thụ cá điêu hồng và nhãn. Hiện 2 mô hình trên đang được hướng dẫn tại 2 địa phương (huyện Cao Lãnh và Châu Thành) thành lập HTX và tổ chức kết nối với DN để tiêu thụ. Ngoài ra, trong năm 2013, Sở Công Thương đã làm đầu mối kết nối giữa Hội doanh nghiệp Ấn Độ với Công ty TNHH Hùng cá, Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH Võ Thị Thu Hà và Cơ sở Dũng ớt với một doanh nghiệp của Ấn Độ. Qua đó, có một DN Ấn Độ đang thương thảo hợp đồng thu mua cá tra đông lạnh của Công ty TNHH Hùng Cá và Công ty Vĩnh Hoàn; một doanh nghiệp đã trao đổi giá để thu mua ớt xuất sang Ấn Độ với Cơ sở Dũng ớt và một doanh nghiệp cơ bản đã thỏa thuận thống nhất bao tiêu cám của Công ty Võ Thị Thu Hà xuất sang Ấn Độ, hai bên hợp tác đầu tư nhà máy trích ly dầu cám 200.000 tấn/năm.
Bước sang năm 2014, chương trình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa là một chương trình lớn xuyên suốt trong cả năm. Đây là chương trình liên quan đến chỉ đạo điều hành nhiều ban, ngành các cấp chính quyền trong tỉnh, liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều DN trong, ngoài tỉnh, ngoài nước, các HTX và nông dân. Có thể khẳng định, chương trình này có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Sở Công Thương, trong năm nay, đối với các DN TP.HCM đã ký các hợp đồng hợp tác và biên bản ghi nhớ với các đối tác trong tỉnh, ngành sẽ thường xuyên cập nhật các thông tin, tiến độ thực hiện các hợp đồng đã ký kết về số lượng, chất lượng; những tồn tại khó khăn vướng mắc, chủ động bàn bạc với các ngành liên quan, UBND các địa phương tìm giải pháp tháo gỡ; tham mưu đề xuất UBND chỉ đạo hỗ trợ hoặc tháo gỡ khó khăn cho các DN, HTX, cơ sở sản xuất của ttrong quá trình kết nối; phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp các sản phẩm nông sản đặc thù của tỉnh, giới thiệu, kết nối đưa vào hệ thông phân phối của các DN TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh, thành khác; phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại Du lịch Đầu tư, Sở Công Thương TP.HCM, hỗ trợ DN, HTX, cơ sở sản xuất nông sản hàng hóa trên địa bàn tỉnh tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm, các hội nghị xúc tiến thương mại để giới thiệu, kết nối đưa sản phẩm nông sản hàng hóa của tỉnh vào hệ thống phân phối của các DN lớn.
Đối với các DN xuất khẩu gạo thực hiện ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, Sở sẽ thường xuyên phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế, Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp các huyện, thị và các DN xuất khẩu gạo cập nhật kết quả liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa của các DN thông qua các hợp đồng tiêu thụ lúa với vùng nguyên liệu (HTX, nông dân) tại các huyện, thị; phối hợp với Liên minh HTX tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ các địa phương thành lập HTX sản xuất nông sản hàng hóa đạt chất lượng và đảm bảo số lượng cung ứng cho các DN phân phối; trước mắt đẩy nhanh tiến độ thành lập 10 HTX điểm của tỉnh...
T.H