Hiệu quả từ mô hình trồng sầu riêng theo hướng an toàn

Cập nhật ngày: 13/06/2023 10:51:28

ĐTO - Hơn 10 năm trở lại đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành mạnh dạn chuyển đổi từ các cây trồng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng theo hướng an toàn. Nhờ việc chuyển đổi này giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.


Đoàn công tác UBND tỉnh tham quan thực tế mô hình sản xuất sầu riêng hữu cơ của anh Huỳnh Văn Sỹ (ấp Phú Long, xã Phú Hựu)

Chuyển đổi cây trồng hiệu quả

Theo anh Đỗ Thành Đâu ở khóm Phú Mỹ Lương, thị trấn Cái Tàu Hạ, trước đây, gia đình anh canh tác nhãn da bò với diện tích 2ha. Mỗi năm, lợi nhuận thu được vài chục triệu đồng. Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu nhận thấy mô hình trồng sầu riêng theo hướng an toàn cho hiệu quả kinh tế cao nên từ cuối năm 2010, anh Đâu quyết định chuyển toàn bộ diện tích canh tác nhãn sang trồng sầu riêng Ri6.

Để có kiến thức canh tác sầu riêng theo hướng mới, ngoài học qua sách báo, anh Đâu còn tìm đến các mô hình canh tác hiệu quả trong và ngoài tỉnh để học hỏi, rút kinh nghiệm về áp dụng tại vườn của mình. Nhờ sự kiên trì học hỏi kinh nghiệm, kiến thức của người đi trước và áp dụng đúng phương pháp, kỹ thuật bón phân, chăm sóc, vườn sầu riêng của gia đình anh Đâu cho năng suất ổn định.

Hiện tại, với 2ha sầu riêng (Ri6, Mongthong) 15 năm tuổi (400 gốc), mỗi năm thu hoạch khoảng 15-20 tấn trái/ha. Bên cạnh đó, anh còn 1ha sầu riêng Mongthong 6 năm tuổi, mỗi năm thu hoạch khoảng 7 tấn trái. Với giá trung bình 50 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, anh còn lãi vài trăm triệu đồng/năm. “Từ khi chuyển sang trồng sầu riêng, thu nhập của gia đình tôi tăng gấp 3-4 lần so với trồng nhãn. Nhờ đó, cuộc sống gia đình cải thiện hơn”, anh Đâu chia sẻ.

Với kinh nghiệm trồng cây ăn trái lâu năm, nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng vùng đất Phú Hựu phù hợp với sầu riêng, năm 2010, ông Lê Thanh Điền (xã Phú Hựu) đầu tư 1,1ha đất của gia đình để trồng giống sầu riêng Ri6. Đến nay, mỗi năm, vườn sầu riêng của ông cho thu hoạch trên 16 tấn trái, giá bán bình quân 50 ngàn đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu lợi nhuận trên 600 triệu đồng.


Anh Đỗ Thành Đâu (giữa), khóm Phú Mỹ Lương, thị trấn Cái Tàu Hạ cùng cán bộ kỹ thuật địa phương kiểm tra sâu bệnh trên cây sầu riêng

Liên kết để phát triển

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, nhằm hỗ trợ nông dân kỹ thuật chăm sóc cây trồng, định hướng sản xuất hữu cơ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Năm 2020, ông Điền cùng những hộ dân liên kết thành Hợp tác xã Sầu riêng Phú Hựu, hiện có 35 hộ thành viên với tổng diện tích canh tác hơn 200ha (trồng sầu riêng giống Ri6, Monthong, Musang King), trong đó có 28,5ha được cấp mã số vùng trồng. Với hướng đi này, tùy vào diện tích, có hộ mang về thu nhập trên 800 triệu đồng/năm.

Theo ông Phan Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, sầu riêng đang được nông dân trên địa bàn huyện phát triển rất hiệu quả, hiện nay, toàn huyện có hơn 900ha sầu riêng. Với kinh nghiệm sản xuất, nông dân trồng sầu riêng còn biết nắm bắt nhu cầu thị trường và điều tiết sản xuất nhằm phân khúc cung ứng thị trường phù hợp.

Hướng đến sự phát triển bền vững, hiện nay, địa phương quy hoạch cụ thể các vùng trồng sầu riêng và liên kết với nhau. Đồng thời xây dựng mã số vùng trồng, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm; sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ, an toàn; tăng cường xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ kho chứa... nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, đối tác.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn