Hỗ trợ phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Cập nhật ngày: 23/01/2025 05:13:26

http://baodongthap.com.vn/database/video/20250123051411dt3-3.mp3

 

ĐTO - Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), đến nay công tác đăng ký xác lập quyền, quản lý và phát triển các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho nông sản chủ lực đặc thù của tỉnh đạt được các kết quả bước đầu. Công tác triển khai các hoạt động quản lý và phát triển nhãn hiệu sau bảo hộ được một số chủ sở hữu và địa phương quan tâm triển khai thực hiện.


Xoài là ngành hàng thế mạnh của tỉnh

Theo đó, tỉnh xác lập quyền thành công cho 1 chỉ dẫn địa lý (chỉ dẫn địa lý Cao Lãnh cho sản phẩm xoài), 37 nhãn hiệu chứng nhận, 4 nhãn hiệu tập thể phục vụ sản xuất kinh doanh, quảng bá hình ảnh địa phương. Ngoài ra còn có một số hàng hóa đặc thù của tỉnh và địa phương đang lập thủ tục đăng ký xác lập quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ, tiêu biểu như: chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen; nhãn hiệu chứng nhận “Làng bột Sa Đéc”, “Sầu riêng Cao Lãnh”, “Xoài Cù Lao Tây”.

Hướng đến tạo điều kiện cho các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) tiếp cận, sử dụng và khai thác các thương hiệu cộng đồng của tỉnh, Sở KH&CN tham mưu UBND tỉnh triển khai 3 nhiệm vụ KH&CN (1 nhiệm vụ cấp Quốc gia, 2 nhiệm vụ cấp tỉnh). Cụ thể, nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài của tỉnh Đồng Tháp gắn với kiểm soát chất lượng, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu”. Đến nay, nhiệm vụ đã triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng như: tổ chức lớp tập huấn nội dung về xác lập mã số vùng trồng, duy trì hiệu lực mã số vùng trồng, ý nghĩa của mã số vùng trồng; thành lập Hội ngành hàng xoài tỉnh Đồng Tháp; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu xoài tỉnh Đồng Tháp; tuyên truyền, quảng bá về chỉ dẫn địa lý trên các Đài Phát thanh, Truyền hình của Trung ương và địa phương và đặc biệt đã tiếp nhận 5 hồ sơ đề nghị sử dụng chỉ dẫn địa lý của HTX, THT trên địa bàn huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh.

Đối với nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Chanh Cao Lãnh” đã triển khai nhiều nội dung quan trọng. Đồng thời triển khai tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh “Hỗ trợ nâng cao hiệu quả đăng ký, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ cho các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025”.  Nhiệm vụ nhằm hỗ trợ cho các sản phẩm của HTX đáp ứng các tiêu chí về sở hữu trí tuệ khi tham gia Chương trình OCOP.

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, năm 2024, Sở KH&CN theo dõi 3 nhiệm vụ cấp Quốc gia, 35 nhiệm vụ cấp tỉnh, 21 nhiệm vụ cấp cơ sở. Trong đó, các nhiệm vụ trong quá trình triển khai có sự tham gia trực tiếp của các HTX, qua công tác nghiên cứu sẽ thực hiện chuyển giao các tiến bộ KH&CN cho các HTX này. Cụ thể có 5 nhiệm vụ góp phần hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể.

Đề tài KH&CN cấp Quốc gia “Nghiên cứu xây dựng mô hình Làng thông minh phát triển từ Hội quán nông dân tại Đồng Tháp” được Bộ KH&CN đánh giá nghiệm thu vào tháng 10/2024. Đề tài nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí và cấu trúc mô hình Làng thông minh phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và điều kiện kinh tế - xã hội trong nước. Đồng thời thực hiện thông qua nghiên cứu phân tích mô hình Hội quán nông dân tại xã Tân Thuận Tây hướng đến ứng dụng KH&CN vào sản xuất và kinh doanh sản phẩm địa phương hiệu quả và đề xuất mô hình “Làng thông minh” phát triển trên mô hình Hội quán nông dân.

Đề tài KH&CN cấp tỉnh “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng và hoàn thiện mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới hoạt động có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp” có sự tham gia phối hợp thực hiện thí điểm của 6 HTX. Đề tài đã nghiệm thu, được UBND tỉnh công nhận kết quả thực hiện và chuyển giao sản phẩm khoa học để ứng dụng. Bên cạnh đó, Đề tài KH&CN cấp tỉnh “Nghiên cứu ứng dụng chế phẩm AVG (aminoethoxyvinyl glycine) để kéo dài thời gian thu hoạch cho cây có múi (cam, chanh) và cây xoài của tỉnh Đồng Tháp”; “Cải thiện giống hoa hồng lửa và hoa cúc Tiger phù hợp với Làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp” (giai đoạn 2) và Dự án sản xuất thử nghiệm cấp tỉnh “Nghiên cứu sản xuất nguyên liệu và giá thể trồng hoa kiểng quy mô công nghiệp cho Làng hoa Sa Đéc” đều có sự tham gia phối hợp thực hiện của các HTX.

Nhằm triển khai, phổ biến kiến thức tiêu chuẩn Quốc gia về truy xuất nguồn gốc, mã truy vết, vật mang dữ liệu phù hợp tiêu chuẩn Quốc gia, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và hướng dẫn đăng ký mã số mã vạch cho các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, HTX, hội quán, chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh, Sở KH&CN tổ chức 4 lớp đào tạo, tập huấn. Qua đó thông tin và hướng dẫn những nội dung cơ bản về quy trình tạo lập và đăng ký các loại mã truy vết; định dạng các mã dùng cho truy vết và sử dụng các loại vật mang dữ liệu phù hợp với tiêu chuẩn Quốc gia, đảm bảo khả năng truyền tải và quản lý dữ liệu chính xác trong suốt chuỗi cung ứng; lợi ích của việc minh bạch thông tin và quản lý chuỗi cung ứng. Hướng dẫn thực hiện ghi nhãn hàng hóa điện tử; Tích hợp truy xuất nguồn gốc vào nhãn hàng hóa điện tử, cách thức ghi lại thông tin xuất xứ, chuỗi cung ứng trên nhãn điện tử và cách sử dụng mã QR/mã vạch để người tiêu dùng truy cập thông tin...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn