Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản đồng bằng sông Cửu Long
Cập nhật ngày: 26/05/2022 13:53:31
ĐTO - Ngày 25/5/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tham dự diễn đàn “Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND TP Cần Thơ tổ chức tại TP Cần Thơ.
Diễn đàn thu hút gần 500 đại biểu từ Trung ương, địa phương tham dự
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) 13 tỉnh ĐBSCL hiện chỉ có 1.461 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chiếm khoảng 4.39% số lượng doanh nghiệp logistics của cả nước, trong đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp rất hạn chế, chủ yếu là các doanh nghiệp nông nghiệp mà đặc biệt là doanh nghiệp thủy sản tự cung cấp hạ tầng logistics cho sản phẩm của mình, điều này làm gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh của nông sản ĐBSCL nói riêng và nông sản Việt nói chung.
Tại hội thảo, các đại biểu nhận định, điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển kinh tế ĐBSCL chính là hệ thống logistics kết nối tất cả các bên trong toàn bộ chu trình sản xuất tới tiêu dùng. Cụ thể, ĐBSCL đang là khu vực có chi phí logistics cao nhất, chiếm đến 30% giá thành sản phẩm và mâu thuẫn với đóng góp về hàng hóa của vùng. Phần lớn các dịch vụ logistics ở vùng chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ chứ chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận tải nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao. Các doanh nghiệp logistics hoạt động tại ĐBSCL mới chỉ dừng lại ở việc giao nhận vận tải, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, vận chuyển nội địa, gom hàng lẻ chứ chưa thể tích hợp, tổ chức và liên kết các hoạt động trong chuỗi logistics.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề xuất 5 giải pháp để phát triển logistics cho vùng ĐBSCL gồm: Thứ nhất, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tập trung vào quy hoạch logistics toàn vùng. Thứ hai, hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ logistics. Thứ ba, đẩy mạnh phát triển những trung tâm logistics phục vụ hàng nông sản với những dịch vụ chủ yếu như vận tải, kho hàng, bảo quản hàng hóa và các dịch vụ giá trị gia tăng. Thứ tư, tăng cường liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng nông sản: Người nông dân - thương lái - nhà máy chế biến - doanh nghiệp thương mại - doanh nghiệp logistics. Thứ năm, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, chất lượng nguồn nhân lực logistics, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu CMCN 4.0, hiện đại hóa trong hoạt động sản xuất, chế biến và hoạt động dịch vụ logistics.
Nguyệt Đỗ