Hợp lực để chuyển đổi bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật ngày: 06/09/2022 11:30:36

ĐTO - Đó là chủ đề chính của buổi Tọa đàm bàn tròn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng ngày 6/9. Tham dự buổi tọa đàm có ông Kees Van Bar - Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam. Tại điểm cầu Đồng Tháp, do ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì.


Quang cảnh buổi tọa đàm tại điểm cầu Đồng Tháp

Tại buổi tọa đàm, đại diện các chuyên gia chia sẻ nhiều thông tin về quy hoạch và kế hoạch hoạt động chung vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đồng thời thông tin về cơ hội, thách thức; các nội dung ưu tiên, trọng tâm về chương trình hoạt động vùng ĐBSCL...

Theo bà Khúc Thị Lan Hương - Cán bộ dự án cấp cao của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), chiến lược của ADB đến năm 2030 trong việc hỗ trợ ĐBSCL ứng phó biến đổi khí hậu được ưu tiên 3 lĩnh vực gồm: ứng phó tác động biến đổi khí hậu, xây dựng năng lực thích ứng chống chịu với biến đổi khí hậu và thiên tai, tăng cường tính bền vững của môi trường; thúc đẩy phát triển nông thôn và an ninh lương thực; phát triển đô thị đáng sống…

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) thông tin, trong định hướng, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương vùng ĐBSCL tổ chức lại sản xuất cho nông dân gắn với xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn. Trong đó, tập trung phát triển Hiệp hội ngành hàng; tổ chức phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản đạt tiêu chuẩn; phát triển liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp...


Hợp tác xã Nông sản an toàn An Hòa (huyện Châu Thành) xây dựng mã số vùng trồng nhãn nhằm phục vụ tốt nhu cầu xuất khẩu

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ, trước những cơ hội và thách thức của vùng ĐBSCL, Bộ NN&PTNT thống nhất đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao kết hợp dịch vụ du lịch, công nghiệp chế biến; thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, nâng cao hiệu quả sản phẩm nông nghiệp; phát triển trung tâm logistics sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản; xây dựng nông nghiệp xanh, sinh thái, tuần hoàn, góp phần giảm khí thải nhà kính… Qua đó, góp phần khai thác tốt thế mạnh ngành nông nghiệp của vùng ĐBSCL.  

KHÁNH PHAN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn