Hợp tác xã 26/3 - mười năm một chặng đường

Cập nhật ngày: 30/08/2013 06:13:41

Mười năm qua là một cuộc hành trình dài với bao trăn trở, phấn đấu không ngừng của Hợp tác xã (HTX) 26/3. Từ những ngày đầu khó khăn của một tổ hợp tác (THX) làm kinh tế nhỏ do đoàn viên, thanh niên xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh gầy dựng, giờ đây HTX 26/3 đang dần lớn mạnh, phát triển và ngày càng khẳng định hướng đi đúng đắn qua mô hình kinh tế hợp tác.


Tổ đan lục bình gia công của Hợp tác xã 26/3

Hiện tại, HTX có 4 loại hình hoạt động chính: bơm tưới, gặt đập liên hợp, đan lục bình, xịt thuốc thuê. Hầu hết các loại hình dịch vụ hoạt động khá hiệu quả, góp phần giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội cho nhiều xã viên. Hằng năm, 5 trạm bơm điện với 10 đầu máy của HTX đảm bảo bơm tưới, bơm tiêu cho hơn 520ha lúa của HTX với mức giá ưu đãi và không tính lãi đến cuối vụ cho bà con xã viên. Ngoài ra, đầu năm 2013, từ nguồn vốn hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh và sự đóng góp của xã viên, HTX đã trang bị thêm 1 máy gặt đập liên hợp với tổng kinh phí khoảng 800 triệu đồng. Đây là sự cố gắng của HTX góp phần giúp bà con giảm nhẹ chi phí thu hoạch, không phải mất nhiều khoản tiền và lệ thuộc “cò”.

Giải quyết việc làm cho lao động nghèo trên địa bàn là một trong những vấn đề mà Ban chủ nhiệm HTX quan tâm, trăn trở. Hơn 35% số xã viên của HTX thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Vào mùa nước nổi, phần lớn người lao động không có việc làm, đời sống kinh tế chật vật. Xuất phát từ thực tế đó, đầu năm 2010, HTX đã kết hợp với Liên minh HTX tỉnh mở lớp dạy nghề đan lục bình gia công cho 30 phụ nữ, đến nay HTX có trên 150 lao động thạo nghề, hàng tháng cung cấp khoảng hơn 4.000 sản phẩm. Ngoài ra, HTX còn làm cầu nối giúp cho các chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp cận với nguồn vốn từ dự án (SCC) của Trung tâm HTX Thụy Điển, giúp chị em tiếp cận với nguồn vốn xoay vòng... Không giấu được niềm vui khi được dạy nghề đan lục bình và vay vốn, chị Võ Thị Thúy (SN 1971) ngụ ấp 5, xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh chia sẻ: “Trước đây tôi phải đi làm thuê làm mướn cuộc sống bấp bênh, chưa kể tới mùa nước nổi phải chịu cảnh thất nghiệp. Từ ngày được học nghề và hỗ trợ vốn làm kinh tế, cuộc sống gia đình tôi đỡ nhọc nhằn hơn”.

Bên cạnh những mặt mạnh, HTX vẫn còn một số khó khăn chưa thể giải quyết. Theo ông Võ Văn Hiền - chủ nhiệm HTX: Hiện tại, HTX gặp khó khăn trong việc triển khai mô hình “Cánh đồng liên kết” cho xã viên. Phần đông nông dân ở đây không muốn thay đổi phương thức sản xuất cũ, nhiều hộ còn e dè khi hợp tác với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, do đặc thù địa lí của vùng, nên một số doanh nghiệp vẫn còn ngần ngại hợp tác thu mua lúa với HTX. Về tổ đan lục bình, cho đến nay HTX vẫn chưa liên kết được với công ty lớn mà vẫn còn lệ thuộc vào đối tác trung gian. Vì thế, giá thành sản phẩm của chị em làm ra vẫn còn thấp so với nhiều khu vực khác. Tuy nhiên, trong thời gian tới, HTX sẽ tăng cường đào tạo nâng cao tay nghề cho chị em để có đủ điều kiện hợp tác với những doanh nghiệp lớn. Về cánh đồng liên kết, trong vụ đông xuân tới, HTX dự định cho sản xuất trên diện tích 100ha. Công ty đối tác TNHH MTV xuất nhập khẩu An Giang sẽ hỗ trợ giống và vật tư nông nghiệp không lãi suất đến khi thu hoạch cho nông dân. Dự kiến, nếu mô hình này thành công, HTX sẽ mở rộng trên toàn bộ diện tích 520ha của HTX”.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn