Hợp tác xã - chất xúc tác cho nền nông nghiệp chuyển mình

Cập nhật ngày: 30/10/2013 06:14:00

Sau những thăng trầm, đến nay các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn đã khoác lên mình áo mới khi làm cầu nối giữa doanh nghiệp và người nông dân, giải quyết được bài toán tìm đầu cho sản phẩm sau thu hoạch, góp phần tạo bước đi vững chãi cho hành trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nhà...


Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ góp phần đảm bảo đầu ra cho nông dân

Hành trình từ suy thoái đến phát triển

Vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 (thế kỷ 20), do chưa thích ứng với cơ chế thị trường, phong trào HTX của cả nước nói chung và ở tỉnh Đồng Tháp nói riêng lâm vào tình trạng suy thoái. Phần lớn các HTX làm ăn thua lỗ kéo dài, buộc phải giải thể hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, mang tính hình thức.

Ông Phạm Tấn Tho - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho hay: “Kinh tế tập thể (KTTT) mà vai trò chủ đạo là HTX đã trải qua những giai đoạn thăng trầm. Trước đây, hàng loạt HTX giải thể do cơ chế bao cấp, chưa thích ứng với cơ chế thị trường. Đến bây giờ, dư âm của KTTT kiểu cũ vẫn còn, vì thế người dân có sự hoài nghi, chưa mặn mà với HTX. Tuy nhiên, hiện nay tự thân các HTX đã khẳng định vai trò của mình, thay đổi theo hình thức sản xuất kiểu mới. Điểm nổi bật nhất hiện nay là việc sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ”.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 4.800 tổ hợp tác (THT), tăng 150% so với năm 2001 với vốn hoạt động trên 172 tỷ đồng. Theo đó, số lượng được thành lập mới là 144 HTX, 1 liên hiệp HTX, nâng tổng số toàn tỉnh hiện nay có trên 200 HTX, tăng 90 HTX so với năm 2001, vốn điều lệ trên 102 tỷ đồng, vốn hoạt động trên 576 tỷ đồng.

Đối với tỉnh nông nghiệp, nhiều năm qua tình hình “được mùa thất giá” là bài toán trăn trở của nông dân và của chính quyền địa phương. Khi mô hình sản xuất gắn với doanh nghiệp tiêu thụ thực hiện mà HTX làm cầu nối đã giải đáp tốt bài toán ấy. Trong buổi tọa đàm về tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh gắn với cánh đồng liên kết, ông Lê Minh Hoan - Chủ tịch UBND tỉnh đưa ra quan điểm: Những tín hiệu về cánh đồng liên kết gần đây là khởi đầu cho bước chuyển mình hướng đến xây dựng nền nông nghiệp bền vững, khi người sản xuất trả lời được câu hỏi “trồng cây gì? bán cho ai? và bán như thế nào?” thì doanh nghiệp cũng trả lời cho mình câu hỏi “mua ở đâu? mua cái gì? và mua như thế nào”.

Khởi điểm năm 2011, chỉ có 7 HTX tham gia xây dựng cánh đồng liên kết thì hiện nay đã có đến 32 HTX và 26 THT tham gia. Theo Chi cục Phát triển nông thôn, sau 2 năm triển khai thực hiện cánh đồng liên kết, số lượng mô hình tăng lên đáng kể. Năm 2011, có 17 cánh đồng được doanh nghiệp thu mua với tổng diện tích 2.400ha, sản lượng 800 tấn lúa. Đến nay, toàn tỉnh có 108 cánh đồng mẫu ở 9 huyện, thị với tổng diện tích trên 51.000ha, tăng gấp 21 lần so với thời điểm mới bắt đầu triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Trãi - Giám đốc HTX Tân Cường chia sẻ: “Đến nay, chúng tôi đã liên kết với Công ty Võ Thị Thu Hà được 3 năm. Điểm nổi bật trong thực hiện mô hình liên kết là người nông dân không lo lắng đầu ra sản phẩm, giá bán lại cao hơn thị trường 200 - 300 đồng/kg, người sản xuất rất phấn khởi. Qua đó, người nông dân đã có thể quyết định được giá sản phẩm làm ra, không phải nổi trôi như thời gian thiếu liên kết”.

Nhằm thúc đẩy bước chuyển mình vươn lên của HTX, các sản phẩm nông sản địa phương vươn xa, UBND tỉnh đã xây dựng, chọn 13 HTX, 3 THT tiên tiến gắn với vùng chuyên canh nông sản đặc thù của tỉnh như: quýt hồng Lai Vung, nhãn Châu Thành, xoài Cao Lãnh, sen Tháp Mười, ớt Thanh Bình..., từng bước hình thành nên những vùng sản xuất quy mô lớn và đồng bộ kết cấu hạ tầng cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh, sản xuất, xây dựng phát triển thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa.

Những HTX này đã tự tìm cho mình những hướng mới, chủ động ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm. Xoài Mỹ Xương đã ký kết với DNTN Anh Tú, cửa hàng Hương Quê và Công ty Yasaka với giá cao hơn 3.000 - 5.000 đồng/kg, HTX ớt Thuận Phong ký kết với Doanh nghiệp Dũng Ớt, cùng trên địa bàn có hơn 10 điểm thu mua, có thể thu mua 20 tấn/ngày....

Cần lấp đầy những cái thiếu của HTX nông nghiệp

Dù bước đầu mang lại nhiều kết quả phấn khởi qua việc liên kết sản xuất, tuy nhiên thách thức đối với các HTX nông nghiệp vẫn còn rất lớn, chưa đáp ứng được trọn vẹn trong vai trò tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, một trong những yếu tố khiến HTX vẫn chưa tương xứng với thực tế hiện nay là do năng lực quản lý còn yếu kém, trình độ còn hạn chế, thiếu những chính sách hỗ trợ, đa phần HTX chỉ làm một dịch vụ đơn lẻ, quy mô nhỏ...

Về cơ sở vật chất của HTX nông nghiệp hiện nay, chỉ có 55/168 có trụ sở làm việc, trong khi đây được xem là bộ mặt trong việc giao lưu hợp tác. Nếu HTX thuê, phải chịu thêm sức ép về chi phí. Song song đó, tỷ lệ HTX nông nghiệp chưa có nhà kho chiếm 83%, sân phơi chiếm 97,7%.

Theo các ngành chức năng, với 168 HTX nông nghiệp thì đã có tới 70% chỉ thực hiện dịch vụ bơm tưới, không đủ sức hút để mọi người cùng tham gia, trong khi HTX phải cung ứng những dịch vụ tối đa nhất cho xã viên, người nông dân. Trên tinh thần đó, ngành chức năng khuyến khích HTX đa dịch vụ, đẩy mạnh 4 khâu: cung ứng vật tư, tín dụng hỗ trợ, tiêu thụ sản phẩm, khuyến nông.

Ông Phạm Tấn Tho cho rằng, hiện nay HTX mới bắt đầu bước vào quỹ đạo cho sự phát triển, để đáp ứng nhu cầu “mới” vẫn còn thiếu nhiều công đoạn, mà con người là một trong những yếu tố quan trọng. Trong khi đó trình độ cán bộ quản lý HTX còn yếu kém dẫn đến việc chưa đáp ứng nhu cầu thực tại điều hành quản lý. Hiện nay, số người có bằng đại học 21, tăng 9 người so với 2008 (chiếm 2,7%), trung cấp là 56 người...

Ông Phan Công Chính - Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Bình cũng cho hay: “Cái thiếu mà HTX đang lo lắng đó là về con người nhằm đáp ứng nhu cầu điều hành quản trị ngày càng cao. Hiện nay, Ban quản trị đa số lớn tuổi, trình độ chuyên môn còn thấp, trong khi đội ngũ trẻ lại thiếu kinh nghiệm nên chưa thuyết phục được nông dân”.

Bên cạnh đó, về phía doanh nghiệp cũng đòi hỏi ở HTX là rất lớn. Ông Đoàn Văn Hiền - Giám đốc Công ty TNHH XNK TM Võ Thị Thu Hà chia sẻ: “Trong việc tiến tới liên kết sản xuất với HTX hiện nay, doanh nghiệp mong muốn tỉnh đẩy mạnh đầu tư đào tạo nguồn nhân lực quản lý, đồng thời hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, nhất là đầu tư lò sấy, kho chứa bảo quản sau thu hoạch để hỗ trợ doanh nghiệp vừa thu mua lúa tươi, vừa thu mua lúa khô. Bên cạnh đó, muốn cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường hiện nay là phải cạnh tranh chất lượng. Cho nên, các HTX cần xây dựng thương hiệu để cùng doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường”.

Vốn là một trong những yếu tố cần thiết với sự phát triển của HTX nhưng đó cũng là trăn trở. Trên thực tế hiện nay, mỗi năm chỉ có 5 HTX được tiếp xúc với nguồn vay của các ngân hàng thương mại. Hiện hay, tỉnh có quỹ hỗ trợ phát triển HTX với vốn 10 tỷ đồng, tuy nhiên để tiếp cận, HTX cần có những kế hoạch, đề án có tính khả thi.

Trước những thách thức đó, ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, ngoài việc tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ HTX trong thời gian tới thì phát huy nội tại, lấy lại niềm tin của người dân bằng thực tiễn sản xuất để mọi ngưới thấy được hiệu quả, đồng hành tham gia sản xuất là yếu tố cần thiết.

Dù vậy trước những kết quả đạt được, tin tưởng người dân sẽ tham gia cùng HTX. Nói như ông Nguyễn Văn Trãi: “Năm 2012, tổng doanh thu của HTX Tân Cường là 3,6 tỷ đồng, tăng trên 1 tỷ đồng so với 2010. Thu nhập bình quân đầu người hàng tháng của các thành viên là 3 triệu đồng, xã viên được trả lãi theo cổ phần dao động từ 3,8 - 4,2%/tháng. Trong thời gian tới, chúng tôi hướng tới ngoài việc liên kết sản xuất lúa với công ty, HTX còn tiến tới sản xuất gạo trên thị trường nội địa. Từ những hiệu quả trên, tôi tin rằng người dân tham gia vào HTX là rất lớn. Hiện nay, HTX đã thu hút 5 người có bằng đại học tham gia làm việc tại đơn vị...”.

Khánh Duy - Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn