Hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ

Cập nhật ngày: 05/10/2023 14:39:51

http://baodongthap.com.vn/database/video/20231005024320mobifone_audio_1696491784578.mp3

 

ĐTO - Hoạt động theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao là mô hình được nhiều hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp (DVNN) trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai. Các mô hình ngày càng phát huy hiệu quả, được các thành viên, người lao động tích cực hưởng ứng.


Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thứ 7 từ phải sang) thăm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (xã Bình Thành, huyện Lấp Vò) ngày 2/9/2023

HTX DVNN Bình Thành (xã Bình Thành, huyện Lấp Vò) thành lập năm 1989 với vốn điều lệ 1,11 tỷ đồng, có 1.814 thành viên. HTX có tổng vốn hoạt động 10,7 tỷ đồng, tổng số lao động trong HTX 55 người; phục vụ tưới tiêu 1.150ha, trong đó, sản xuất lúa 3 vụ là 950ha, 2 lúa 1 màu là 200ha. HTX hoạt động với 13 dịch vụ phục vụ trực tiếp cho các hộ thành viên, gồm: dịch vụ tưới tiêu, điện nông thôn (toàn xã), tín dụng nội bộ, cung cấp vật tư nông nghiệp trả chậm, sản xuất, cung cấp lúa giống, mua bán gạo, khuyến nông, bảo vệ thực vật, tổ chức liên kết hỗ trợ thành viên tiêu thụ sản phẩm, nạo vét kênh thủy lợi nội đồng, bán giống cây trồng và sản xuất nước đóng bình, đóng chai. HTX ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như: sử dụng máy sạ lúa, máy phun thuốc, phun phân tự động, máy gặt đập liên hợp, chiếm 80% trên tổng diện tích; có nhiều đề tài, dự án, mô hình trình diễn được áp dụng trên lúa, hoa màu, cây ăn trái, gia súc, thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần tăng năng suất, quản lý hiệu quả dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp người dân giảm chi phí và tăng thu nhập.

HTX Bình Thành xây dựng vùng lúa chất lượng cao 256ha, có 81ha sản xuất lúa an toàn, 30ha sản xuất lúa giống cung cấp cho thành viên. Tất cả diện tích sản xuất của HTX đều tiêu thụ thông qua các doanh nghiệp, mang lại lợi nhuận ổn định cho thành viên. Bên cạnh đó, HTX còn có hội quán sinh hoạt đa dạng các lĩnh vực: kỹ thuật chăm sóc cây có múi, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, xử lý ra hoa xoài trái vụ, tỉa cành tạo tán, bón vôi... với 127ha, chủ yếu là xoài và cây có múi...

HTX DVNN Tân Bình (xã Tân Bình, huyện Thanh Bình) thành lập năm 2003, với 1.034 thành viên, hoạt động 8 dịch vụ (bơm nước, cắt, sấy lúa, phân bón, tín dụng, làm đất, giống cây trồng, nước sạch), tổng diện tích phục vụ 668ha. HTX có vốn điều lệ 1,031 tỷ đồng, vốn góp 937 triệu đồng, vốn hoạt động trên 26 tỷ đồng; ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như: mô hình nhà lưới ươm cây giống (cà chua, cây ớt), công nghệ tưới nhỏ giọt, sử dụng giống cà gốc ghép... HTX đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp đầu vào như: dịch vụ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (quan tâm giảm lợi nhuận để hỗ trợ cho thành viên nghèo về lãi suất, khâu làm đất và sau thu hoạch...; cung cấp vật tư nông nghiệp cho bà con thành viên với giá rẻ hơn thị trường bên ngoài). Ngoài ra, HTX đã xây dựng kho 1.000 tấn, lò sấy với công suất 40 tấn/lần sấy, phát triển thêm dịch vụ tạm trữ, sấy lúa cho thành viên, đầu tư hệ thống tưới tiêu bê tông hóa với tổng chiều dài gần 2km.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn nhiều mô hình của HTX hoạt động có hiệu quả, chẳng hạn như mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ và áp dụng phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái, lắp đặt hệ thống bơm tiết kiệm, 6 trạm kiểm soát côn trùng thông minh, liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm thực hiện thí điểm sản xuất lúa hữu cơ gắn với tiêu thụ tại HTX Nông nghiệp Phú Thọ (xã An Long, huyện Tam Nông). Mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX Quýt Hồng Lai Vung, HTX Nông sản sạch Vĩnh Thới, HTX Thanh Long VietGAP Phong Hòa, huyện Lai Vung, áp dụng kỹ thuật giàn treo và che lưới trái. Khi áp dụng quy trình này, nông hộ sẽ kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần làm giảm chi phí, hạn chế các tác động bất lợi của thời tiết, sản phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, đạt tiêu chuẩn VietGAP là điều kiện tiền đề để các công ty liên kết tiêu thụ sản phẩm. Mô hình phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp: ứng dụng thiết bị bay trong phun xịt thuốc, giống, bón phân và ứng dụng phần mềm ghi chép nhật ký đồng ruộng bằng smartphone; lắp đặt trạm kiểm soát sâu rầy thông minh, gắn với liên kết tiêu thụ tại HTX nông nghiệp Phú Xuân (xã Phú Đức, huyện Tam Nông). Mô hình sản xuất lúa an toàn gắn liên kết tiêu thụ và kết hợp chương trình phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước với diện tích 200ha ở HTX DVNN An Thành, xã Phú Thành A và HTX DVNN Hùng Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông. Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại HTX DVNN Thạnh Lợi, HTX Trường Phát (huyện Tháp Mười) đã khuyến khích nông dân dần chuyển đổi sang hình thức sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11041-2:2017 về nông nghiệp hữu cơ, cung cấp sản phẩm an toàn, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế cho người nông dân, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác với nông dân liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo hữu cơ (chi phí sản xuất là 24.100.500 đồng/ha, năng suất là 6,6 tấn/ha, giá bán 5.750 đồng/kg, lợi nhuận 13.849.500 đồng/ha, cao hơn so với sản xuất bình thường 1.200.000 đồng/ha).

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn