Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp

Hướng đến sự phát triển bền vững và cân bằng

Cập nhật ngày: 24/01/2023 15:29:39

ĐTO - Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (viết tắt là Quy hoạch tỉnh), được tập trung tư duy của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, các cấp, các ngành, địa phương... Quy hoạch đã đề ra được bức tranh tổng thể về việc huy động, phân bố và chung sức về nguồn lực để hướng đến tính khả thi cao nhất cho sự phát triển bền vững, cân bằng giữa các đối tượng có liên quan, trong đó nhân tố con người là chủ thể trọng tâm, tăng trưởng xanh là mục tiêu và văn hóa lịch sử là nền tảng.


Quy hoạch tỉnh được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh, sự đóng góp của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, nhà quản lý, các ngành, các cấp

Ngày 5/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1195/QĐ- TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch (QH) tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc lập QH tỉnh sắp hoàn thành, dự kiến công bố vào tháng 2/2023, sau khi được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Liên danh tư vấn lập QH tỉnh lần này gồm 7 đơn vị: Công ty tư vấn EAI-43 (Pháp); Công ty Tư vấn quy hoạch đô thị không gian kiến trúc quốc tế - EAI-VN; Viện Quy hoạch xây dựng TP Hồ Chí Minh - UPI; Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông thôn - SUB-NIAPP (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải - TDSI (Bộ Giao thông Vận tải); Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam- SIWRP (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Trung tâm Quy hoạch đô thị và nông thôn Đồng Tháp (Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp). Các đơn vị tư vấn này gồm nhóm chuyên gia quốc tế của Công ty tư vấn EAI-43, các chuyên gia đầu ngành của các lĩnh vực trọng yếu đã có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu quy hoạch tại khu vực ĐBSCL cũng như tại tỉnh Đồng Tháp.

Ông Trần Hữu Hoàng Phú – Giám đốc Điều hành Công ty EAI-VN nhận định, QH tỉnh Đồng Tháp hướng đến một mô hình kiểu mẫu về tăng trưởng xanh, một chuẩn mực để hướng tới sự phát triển bền vững. Sự giàu có của tỉnh Đồng Tháp là nhờ vào sự hiện hữu của những nguồn tài nguyên hiếm có: thiên nhiên, cảnh quan đa dạng sinh học, nền kinh tế nông nghiệp chiến lược và cuối cùng là một lãnh thổ hấp dẫn cho du lịch sinh thái và công nghệ cao. Đồng Tháp phải tham gia vào một dự án (DA) đổi mới rộng lớn tập trung vào sự phát triển bền vững bằng cách tăng cường các nguồn tài nguyên thiên nhiên của tỉnh trong một nền kinh tế mới. Cách tiếp cận này huy động các kỹ năng mới trong công nghệ sinh học, kỹ thuật số, kinh tế tuần hoàn và quản lý trí tuệ tập thể... Đồng Tháp có khả năng trở thành tiên phong và chuẩn mực cho Việt Nam.


Quy hoạch đã phân các vùng kinh tế trong tỉnh để có hướng phát triển phù hợp

QH tỉnh lần này đã chỉ ra được vị trí chiến lược của tỉnh Đồng Tháp trong tổng thể phát triển kinh tế của toàn vùng ĐBSCL. Nếu như trước đây, ngoài các lợi thế nông nghiệp, tỉnh không được lợi thế về địa chính, thì kỳ QH này với hệ thống giao thông toàn vùng, vai trò của Đồng Tháp đã thay đổi tích cực đáng kể. Một mặt, là cửa ngõ giao thương với Campuchia và các nước tiểu vùng sông Mê Kông qua vùng kinh tế biên mậu, mặt khác lại là cửa ngõ giao thương mới với vùng Đông Nam Bộ qua trục cao tốc N2, tuyến cao tốc kết nối 2 trục cao tốc phía Đông và phía Tây thông qua việc hình thành cung kinh tế nông nghiệp xanh Đồng Tháp Mười. Bên cạnh đó, với việc hình thành hệ sinh thái kinh tế dịch vụ đô thị dọc sông Tiền và hệ sinh thái kinh tế công nghiệp hậu cần dọc sông Hậu, Đồng Tháp định vị được trên hành lang kinh tế Đông Nam Bộ - Tây Nam Bộ - Campuchia và các nước tiểu vùng sông Mê Kông theo định hướng QH vùng ĐBSCL vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc định hình này cho thấy, tiềm năng và sức hấp dẫn mới mà tỉnh Đồng Tháp có được so với trước đây, đặc biệt với vai trò cửa ngõ giao thương cũng như các tiềm năng về trung tâm công nghiệp chế biến, đô thị sinh thái, du lịch xanh...

Ông Trương Hòa Châu - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: “QH tỉnh lần này khi được phê duyệt sẽ hoàn thiện khung pháp lý để làm cơ sở triển khai, kêu gọi các DA đầu tư. Quy hoạch tỉnh đã định hình được các nhóm DA chiến lược, làm cơ sở để kiến tạo được khung sườn phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các DA hạ tầng Quốc gia trên địa bàn tỉnh, các DA thuộc danh mục đầu tư công để thúc đẩy, xúc tác cho phát triển, các DA mang tính chất tiện ích công cộng, phục vụ xã hội, thì QH cũng xây dựng khung định hướng cho các DA kêu gọi đầu tư khu vực tư nhân trong phát triển các lĩnh vực về nông nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp chế biến, dịch vụ hậu cần, khu đô thị, du lịch, giáo dục, y tế... QH định hình được mô hình tăng trưởng xanh đặc thù, riêng có và dựa trên lợi thế so sánh của tỉnh”.


Định vị đặc sản Đồng Tháp để phát triển, tạo nên thương hiệu

QH tỉnh đề ra mục tiêu phát triển đến năm 2030 là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, yếu tố con người để đưa ĐồngTháp phát triển cân bằng, toàn diện và bền vững. Nông nghiệp đổi mới là động lực chủ yếu cho tăng trưởng, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đưa Đồng Tháp trở thành một trong những trung tâm sản xuất và chế biến nông sản quan trọng của vùng; thu hẹp khoảng cách phát triển và tạo ra lợi thế cạnh trạnh mới thông qua các giá trị gia tăng chủ đạo trong tương lai: nông nghiệp công nghệ cao, chế biến chế tạo, năng lượng tái tạo, công nghiệp dược, công nghiệp kỹ thuật cao. Trong đó, phát triển công nghiệp chế biến rau, củ, quả, công nghiệp vật liệu xây dựng, phát triển năng lượng tái tạo là các mũi đột phá, hình thành hệ sinh thái công nghiệp bổ trợ, giúp Đồng Tháp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng. Tỉnh phát triển thương mại - dịch vụ theo hướng phát huy hiệu quả của chuỗi giá trị nguyên liệu - chế biến - kho vận - thương mại - xuất khẩu phục vụ phát triển cụm liên ngành trên các hành lang kinh tế. Đồng thời kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị đầu tư đồng bộ, hiện đại; khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức được phát huy, trở thành nhân tố chủ yếu đóng góp cho nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao; các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện thuộc nhóm tiên tiến của cả nước; đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của Nhân dân được nâng lên; mở rộng hợp tác, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới... Đến năm 2030, tỉnh Đồng Tháp trở thành địa phương có trình độ phát triển khá với các chỉ số phát triển đạt trên mức trung bình của cả nước, đặc biệt hướng đến mục tiêu dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế.

Thành Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn