Huyện Tháp Mười triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả
Cập nhật ngày: 03/06/2023 05:39:46
ĐTO - Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tháp Mười đã triển khai nhiều mô hình sản xuất tiên tiến, áp dụng các biện pháp giảm giá thành vào sản xuất, giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất.
Mô hình trồng nấm bào ngư xám tại hộ anh Nguyễn Thanh Tồng (xã Mỹ Quí) cho hiệu quả kinh tế khá cao
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào trong sản xuất nông nghiệp và từng bước xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ, huyện Tháp Mười đã triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại các cánh đồng sản xuất lúa lý tưởng (xã Thạnh Lợi). Mô hình giúp nông dân nắm bắt được các khâu quan trọng trong qui trình kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ. Đặc biệt, sử dụng phân hữu cơ vào canh tác lúa, giúp lúa đẻ nhánh tốt, bộ rễ ăn sâu, ít đổ ngã..., giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập. Sản xuất theo mô hình, nông dân bón phân theo phương pháp phân vùi; áp dụng qui trình quản lý dịch tổng hợp IPM, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” nên chi phí thuốc bảo vệ thực vật đều giảm so với sản xuất truyền thống, năng suất đạt 6 tấn/ha (tương đương với ruộng đối chứng). Khi áp dụng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, nông dân sẽ thu được lợi nhuận cao hơn so với ruộng đối chứng là 1.208.000 đồng/ha.
Mô hình sản xuất lúa theo chuẩn SRP được triển khai tại ấp 1, xã Mỹ Hòa (vụ thu đông năm 2022) góp phần giảm thiểu tác động môi trường vào sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, đồng thời củng cố thu nhập cho nông hộ. Mô hình có qui mô 20ha, có 7 hộ nông dân tham gia, sử dụng giống OM 18, lượng giống gieo sạ 120kg/ha. Theo đó, chi phí sản xuất giảm 5.859.270 đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình, năng suất đạt 6.200kg/ha, giá bán 5.700 đồng/kg. Tổng thu là 35.340.000 đồng/ha, trừ chi phí sản xuất, ruộng mô hình có lợi nhuận 13.132.270 đồng/ha, cao hơn so với ruộng đối chứng là 5.399.270 đồng/ha.
Cùng với triển khai các mô hình sản xuất lúa, việc hỗ trợ hình thành và phát triển các đơn vị, cá nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực khác phù hợp cũng được ngành nông nghiệp huyện Tháp Mười chú trọng và triển khai hiệu quả. Trong đó, mô hình trồng nấm bào ngư xám tại vườn ươm khởi nghiệp nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP tại 2 hộ: ông Nguyễn Tấn Bền (xã Mỹ Đông) và ông Nguyễn Thanh Tồng (xã Mỹ Quí) với 30.000 phôi nấm bào ngư xám được đánh giá mang lại thu nhập ổn định. Theo đó, sau thời gian thực hiện, mô hình cho năng suất 11.880kg/30.000 phôi; giá bán 30.000 - 35.000 đồng/kg, tổng thu của mô hình là 421,8 triệu đồng/30.000 phôi. Giá thành sản xuất của mô hình là 21.864 đồng/kg, lợi nhuận đạt 162 triệu đồng/30.000 phôi/vụ.
Ngoài giá trị kinh tế, vườn ươm còn hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp những kiến thức, kỹ năng trồng nấm bào ngư xám đủ điều kiện an toàn thực phẩm, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hiệu quả của mô hình là nền tảng thúc đẩy đơn vị, cá nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực trồng nấm để tiến tới hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện Tháp Mười.
Có thể thấy, với việc chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới và triển khai nhiều mô hình sản xuất tiên tiến đã được nông dân ở huyện Tháp Mười áp dụng hiệu quả... Qua đó, giúp nông dân tiếp cận, áp dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao, góp phần tăng trưởng kinh tế.
MN