Khắc phục điểm nghẽn để phát triển ngành hàng sen bền vững

Cập nhật ngày: 13/07/2023 09:44:10

ĐTO - Đồng Tháp được biết đến là tỉnh có nhiều đột phá trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Những năm qua, nhiều ngành hàng thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ chiều rộng đến chiều sâu. Một trong những ngành hàng có sự đột phá trong khoảng 10 năm qua phải kể đến ngành hàng sen. Từ việc chỉ trồng sen bán gương, nhờ đẩy mạnh chế biến, Đồng Tháp đang có hơn 120 sản phẩm chế biến từ sen, trong đó nhiều sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao và 4 sao. Tuy nhiên, để ngành hàng sen phát huy giá trị mạnh hơn, cần khắc phục điểm nghẽn về vùng nguyên liệu…


Đóng gói sản phẩm bột sữa hạt sen tại Công ty TNHH MTV Ba Tre (xã Phú Cường, huyện Tam Nông)

Đẩy mạnh hoạt động chế biến

Nhìn lại bộ sưu tập các sản phẩm chế biến từ sen hiện nay của tỉnh Đồng Tháp với 49 sản phẩm từ sen đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP, ít ai nghĩ rằng cách đây khoảng 10 năm, để tìm một vài sản phẩm chế biến từ sen đạt chuẩn tại Đồng Tháp là một việc rất khó khăn. Tuy nhiên, với những chương trình được triển khai đồng bộ như chương trình hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ máy móc thiết bị sản xuất tiên tiến từ chương trình khuyến công, đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp (DN) đầu tư vào chế biến, những năm qua, tỉnh Đồng Tháp không chỉ có sự lớn mạnh về bộ sưu tập các sản phẩm chế biến từ sen mà còn có những DN khởi nghiệp trưởng thành và lớn mạnh nhờ gắn bó với cây sen.

Là một trong những DN đi đầu tại huyện Tam Nông về phát triển các dòng sản phẩm chế biến từ sen, hiện tại, Công ty TNHH MTV Ba Tre (xã Phú Cường, huyện Tam Nông) có khoảng 20 sản phẩm chế biến từ sen cung cấp cho thị trường, trong đó có 5 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Các dòng sản phẩm chế biến của Công ty TNHH MTV Ba Tre đang phát triển theo hướng tốt cho sức khỏe người tiêu dùng nên rất được người tiêu dùng ở thị trường nội địa ưa chuộng. Nhờ đẩy mạnh phát triển da dạng nhiều sản phẩm chế biến từ sen nên doanh thu và lợi nhuận của DN không ngừng tăng lên: lợi nhuận năm 2022 là 400 triệu đồng, ước tính trong năm 2023, sẽ tăng từ 30 - 40%. Chị Nguyễn Thúy Kiều - Giám đốc Công ty TNHH MTV Ba Tre tâm sự: “Năm 2016, nhận thấy thị trường tiêu thụ hạt sen tươi quá bấp bênh nên tôi bắt đầu nghiên cứu làm thử nghiệm sản phẩm sữa hạt sen để cung cấp cho thị trường. Nhờ thị trường phản hồi tích cực, tôi tiếp tục nghiên cứu phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm chế biến mới từ hạt sen, lá sen, củ sen thành các sản phẩm chế biến thiên về hỗ trợ chăm sóc sức khỏe như: bột sữa hạt sen, trà hoa sen, trà lá sen, trà củ sen... Càng đi sâu phát triển các sản phẩm chế biến từ sen, tôi nhận thấy, thị trường rất quan tâm và yêu thích các dòng sản phẩm chế biến từ sen của Đồng Tháp. Đây là cơ hội cho các DN khởi nghiệp như công ty chúng tôi. Tuy nhiên, để đáp lại sự tin yêu của người tiêu dùng, DN chúng tôi phải nỗ lực không ngừng nhằm tiếp tục cung cấp thêm nhiều dòng sản phẩm mới có chất lượng, hỗ trợ tích cực trong việc giúp người tiêu dùng chăm sóc sức khỏe hằng ngày”.

Công ty TNHH MTV Ba Tre là một trong số nhiều DN khởi nghiệp thành công và ngày càng phát triển lớn mạnh nhờ gắn bó với cây sen. Khi đến thăm Đồng Tháp, khách thập phương có thể dễ dàng lựa chọn mua sắm các sản phẩm được chế biến từ cây sen và nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh tế được chế tác, sản xuất từ cây sen. Không dừng lại ở khâu chế biến, hiện nhiều DN ở Đồng Tháp bắt đầu nghiên cứu và phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm chế biến sâu như tinh dầu hoa sen của Công ty TNHH MTV Tinh dầu Hương Đồng Tháp (TP Hồng Ngự) hay các dự án về phát triển một số dòng sản phẩm dược mỹ phẩm được chiết suất từ các tinh chất quý của cây sen đang được triển khai nghiên cứu tại Công ty Cổ phần thực phẩn Sen Đại Việt (thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười)...


Nông dân thu hoạch sen ở xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười
(Ảnh tư liệu)

Chung tay xây dựng vùng nguyên liệu

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực ở lĩnh vực chế biến, song để ngành hàng sen có thể phát triển bền vững hơn trong giai đoạn tới, tỉnh Đồng Tháp cần khắc phục một số điểm nghẽn nhỏ trong chuỗi sản xuất, nhất là vấn đề phát triển vùng nguyên liệu ổn định và giải quyết “bài toán” bệnh hại trên cây sen.

Trong buổi gặp gỡ với Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong cuối tuần qua, các thành viên trong Tổ hợp tác (THT) sen xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười cho biết, so với trồng lúa thì trồng sen cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, do việc luân canh nhiều vụ mùa nên hiện nay, trên một số diện tích canh tác cây sen bị bệnh hại rất nhiều, trong đó một số bệnh phổ biến như: thối ngó, thối dây, thán thư, bọ trĩ, sâu ăn lá... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và lợi nhuận của nông dân. Bên cạnh đó, do chưa chủ động được sản lượng sen ổn định nên nông dân vẫn còn khó khăn trong việc kết nối với DN trong khâu tiêu thụ, nên việc sản xuất của nông dân vẫn còn bấp bênh trong những năm qua. Đây là điều mà nông dân băn khoăn nhất hiện nay.

Một trong những điểm nghẽn lớn của ngành hàng sen thời gian qua là phát triển vùng nguyên liệu. Hiện nay, phần lớn công đoạn canh tác sen đều do nông dân đảm nhận và thông thường trồng theo kinh nghiệm được tích lũy từ nhiều năm. Bên cạnh đó, việc kiểm soát nguồn cây giống chất lượng cũng là điểm nghẽn chưa có giải pháp khắc phục triệt để ở ngành sen.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sen Đại Việt (thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười), cho biết: “Hiện nay, tín hiệu thị trường đối với các sản phẩm từ sen rất khả quan, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Do đó, để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, chúng tôi đang phối hợp xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu sen với nông dân các tỉnh: Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang... Theo định hướng của DN, đến năm 2025 dự kiến tiếp tục phối hợp với nông dân mở rộng vùng nguyên liệu canh tác sen trên 1.000ha để phục vụ sản xuất, chế biến và xuất khẩu”.


Công nhân phân loại hạt sen tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt (thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười)

Rõ ràng, tín hiệu từ thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa đối các sản phẩm từ sen của Đồng Tháp là khá tiềm năng. Song, vấn đề hiện nay là cần có các giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn của ngành hàng sen kịp thời. Trong chuyến thăm và làm việc với nông dân và các DN ngành hàng sen, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong nhấn mạnh, để ngành hàng sen phát triển bền vững, cần giải quyết dứt điểm một số tồn đọng, vướng mắc của ngành hàng hiện nay, như: bệnh hại trên cây sen, kiểm soát nguồn giống chất lượng và cần thực hiện chặt chẽ hơn khâu liên kết tiêu thụ. Để giải quyết dứt điểm điểm nghẽn của ngành hàng sen không phải là câu chuyện riêng của ngành nông nghiệp hay người nông dân mà cần có sự sẵn sàng vào cuộc của các ngành, địa phương, các DN, hội ngành hàng sen. Để trợ lực cho nông dân, DN cần có trách nhiệm và đồng hành trong chuỗi sản xuất của người nông dân, bởi khâu sản xuất được xem là nền tảng quan trọng để các DN tạo được những sản phẩm chế biến chất lượng, phục vụ tốt cho thị trường xuất khẩu và trong nước...

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn