Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục phát triển và có nhiều đóng góp quan trọng cho kinh tế

Cập nhật ngày: 08/07/2023 10:05:59

ĐTO - 3 năm qua, UBND tỉnh đã lãnh đạo triển khai các giải pháp tổng thể tái cơ cấu ngành công nghiệp theo Kết luận số 248-KL/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2023 mang lại nhiều kết quả khả quan và ghi nhận nhiều nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19 nhờ vào các chính sách, giải pháp điều hành linh hoạt, hiệu quả.

Năng lực sản xuất của ngành chế biến tiếp tục gia tăng, các dự án mới từ các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp tục đóng góp tích cực cho tăng trưởng. Nhiều dự án mới được triển khai và đi vào hoạt động thúc đẩy giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2023 ước đạt 11.707 tỷ đồng, bình quân 3 năm (2021 - 2023) tăng trưởng 4,07%/năm. Giai đoạn 2021 - 2023, một số nhà máy mới đi vào hoạt động gồm: dự án Nhà máy Chế biến nông sản thực phẩm Thành Ngọc; dự án Xí nghiệp Tinh luyện dầu cá - Công ty TNHH MTV thực phẩm Vĩnh Phước; dự án Nhà máy Sản xuất dầu gạo Thuận Cường; dự án Nhà máy Sản xuất bao bì nông sản và chế biến trái cây tươi (giai đoạn 1); dự án Xí nghiệp Sa Giang 3 - Công ty CP XNK Sa Giang; một số dự án nông nghiệp kết hợp với điện năng lượng mặt trời... Cơ cấu sản xuất nội ngành chưa có nhiều thay đổi, nhưng trong nội bộ phân ngành đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá trị lớn, sản xuất sạch hơn như: lau bóng gạo xuất khẩu, chế biến thủy sản, da giày, dược phẩm, năng lượng tái tạo... Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh phục hồi nhanh và tăng trưởng. Ước tính giai đoạn 2021 - 2023, sản lượng thủy sản chế biến tăng 15%/năm; sản lượng sản phẩm giày dép bằng da ước tăng 22%/năm, riêng sản lượng chế biến gạo giảm 18%/năm, sản lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản giảm 5%/năm.

Hạ tầng khu, cụm công nghiệp (CCN) tiếp tục được quan tâm hoàn thiện để tạo quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư. Trong giai đoạn 2021 - 2023, chủ yếu hoàn thiện hạ tầng khu, CCN chuyển tiếp từ giai đoạn trước như: hạ tầng Khu Công nghiệp (KCN) Tân Kiều (dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ đi vào hoạt động); dự án hạ tầng kỹ thuật Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp (giai đoạn 3). Bên cạnh đó, tỉnh đang tiến hành tổ chức thành lập mới KCN Ba Sao. Tính chung, trên địa bàn tỉnh có 5 KCN được quy hoạch, trong đó 3 KCN: Sa Đéc, Sông Hậu, Trần Quốc Toản đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 88,5%; có 16 CCN được thành lập, trong đó, có 12 CCN đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật và đưa vào hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy khoảng 85,3%, CCN Quảng Khánh đang trong quá trình đầu tư hoàn thiện hạ tầng...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn