Đồng Tháp
Khởi nghiệp theo chiều sâu
Cập nhật ngày: 24/06/2017 06:44:28
ĐTO - Với vị trí địa lý không thuận lợi, Đồng Tháp gặp nhiều khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư và phát triển doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Từ thực tế đó, việc định hướng thúc đẩy khởi nghiệp được tỉnh xem là giải pháp quan trọng góp phần vào sự phát trển kinh tế địa phương...
Anh Ngô Chí Công - Giám đốc Công ty Khởi Minh Thành Công quảng bá sản phẩm khởi nghiệp của mình tại hội chợ
Không để khởi nghiệp chạy theo “phong trào”, lãnh đạo tỉnh, các ngành hữu quan luôn theo sát, tạo nhiều cơ hội thuận lợi để các Start up chạm đến thành công. Từ đó, tiến đến xây dựng Đồng Tháp thành địa phương khởi nghiệp.
Để khởi nghiệp đi vào chiều sâu, tỉnh định hướng kế hoạch khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, chú trọng khơi dậy và hun đúc tinh thần khởi nghiệp trong mọi người dân; tập trung cải thiện, nâng chất môi trường đầu tư kinh doanh; kiến tạo môi trường khởi nghiệp thực chất hướng đến xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Đồng thời, tỉnh định hướng xây dựng một lực lượng DN mới về số lượng, năng động, có khả năng cạnh tranh và hội nhập. Mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 4.000 DN nhỏ và vừa.
Theo kế hoạch, các đối tượng được hỗ trợ khi tham gia khởi nghiệp là những cá nhân, nhóm cá nhân sở hữu dự án khởi nghiệp, DN khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Theo đó, lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ phát triển ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp được tỉnh định hướng là lĩnh vực công nghệ, thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ làm nền tảng cho hoạt động sản xuất kinh doanh; lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp thực phẩm, dịch vụ du lịch, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống.
Đồng hành cùng các Start up, Đồng Tháp sẽ hỗ trợ theo từng đối tượng cụ thể, như các Start up tiền khởi nghiệp, khởi nghiệp, dưỡng nghiệp và trưởng thành.
Hỗ trợ trong công tác tiền khởi nghiệp, việc truyền thông, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp được tỉnh đẩy mạnh, truyền tải thông điệp đến mọi người dân, đặc biệt là trong thanh niên, sinh viên về văn hóa khởi nghiệp, kinh doanh, giúp họ biết khát khao lập nghiệp, tự làm chủ. Đồng thời, tạo tâm lý không ngại thất bại và biến thách thức thành cơ hội trong khởi nghiệp.
Ngoài ra, việc thành lập các tổ chức tác động khởi nghiệp được xem là nhân tố quan trọng giúp cho các bạn tiền khởi nghiệp thuận lợi hơn trong việc biến ước mơ thành sự thật.
Thời gian qua, tỉnh đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) DN dẫn đầu, CLB Khởi nghiệp, Hội quán khởi nghiệp, CLB khởi nghiệp tại các trường, địa phương. Trong giai đoạn này, tỉnh còn chú trọng thực hiện Chương trình Cố Vấn (Mentor) - Người được cố vấn (Mentee). Theo ông Phạm Duy Hiếu - Giám đốc Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF), đây là chương trình kêu gọi và đề nghị những người lãnh đạo công ty có kinh nghiệm làm người cố vấn cho một hoặc nhiều bạn khởi nghiệp (Mentee). Trong đó, người cố vấn sẽ truyền đạt kinh nghiệm, giúp định hướng sản phẩm, tìm đầu ra, hỗ trợ vốn, công nghệ... cho người khởi nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tổ chức các cuộc thi về khởi nghiệp thường niên nhằm khơi dậy ý tưởng sáng tạo, tạo điều kiện hiện thực hóa các ý tưởng.
Đối với các Start up bước vào khởi nghiệp, họ không những được tỉnh hỗ trợ về thủ tục thành lập DN, đăng ký đầu tư, thuế, về vốn, mặt bằng mà còn được tỉnh trợ giúp phát huy nội lực, hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
Hỗ trợ DN trong giai đoạn hoạt động (dưỡng nghiệp), tỉnh tạo điều kiện cho DN liên kết, kết nối các DN cùng ngành nghề, nhóm ngành nghề hoặc với các dự án, DN mới khởi nghiệp để kết nối, hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài ra còn có sự liên kết giữa DN - DN, DN - chủ vựa, đại lý thu mua nông sản, hình thành các Hội, Hiệp hội ngành hàng nhằm thúc đẩy liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản chủ lực của địa phương. Bên cạnh đó, để sản phẩm của DN chinh phục thị trường, tỉnh sẽ tiếp tục giúp DN hoàn thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, tạo nên sự khác biệt trong sản phẩm và phát triển các sản phẩm mới. Xây dựng và phát triển thương hiệu...
Riêng sự hỗ trợ đối với DN phát triển (trưởng thành), tỉnh tiếp tục theo dõi hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để DN tiếp tục phát triển lớn mạnh...
Chính sự đồng hành của chính quyền địa phương đã tạo ra “nội lực” giúp các Start up phát triển, chương trình khởi nghiệp tỉnh nhà còn có sự đồng hành của “ngoại lực” từ SVF khi 2 bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác với nhau. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương rất kỳ vọng vào sự hợp tác này song song với những phần việc tỉnh xây dựng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương.
Theo ông Phạm Duy Hiếu - Giám đốc SVF, trên tinh thần ký kết hợp tác với tỉnh, SVF sẽ hình thành đội ngũ hỗ trợ khởi nghiệp để từ đó xây dựng chương trình hoạt động cụ thể như tổ chức các lớp truyền cảm hứng, huấn luyện về kinh doanh. Đồng thời, SVF sẽ giúp cho các Start up kết nối thị trường đầu vào, đầu ra; tiếp cận các nguồn lực, các mối quan hệ...
Y DU