Khơi thông dòng chảy hàng Việt về nông thôn

Cập nhật ngày: 09/07/2014 05:09:55

Qua 5 năm, việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (NVNUTDHVN) đã được sự hưởng ứng tích cực của xã hội, thể hiện sự đúng đắn trong chủ trương của Bộ Chính trị về các giải pháp kích cầu, tăng cường năng lực cạnh tranh và khẳng định tiềm năng dồi dào về năng lực sản xuất, kinh doanh; đồng thời thể hiện lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân hiểu sâu sắc về hành vi ưu tiên dùng hàng Việt Nam là thiết thực, góp phần phát triển kinh tế nước nhà, để mỗi doanh nghiệp nhận thức đầy đủ về việc bảo đảm chất lượng hàng hóa cho người tiêu dùng là trách nhiệm xã hội, là văn hóa, là đạo đức sản xuất, kinh doanh.


Phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại huyện Thanh Bình -
Ảnh: D.Út

Cuộc vận động đã thực sự trở thành phong trào mạnh mẽ, có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng trong toàn tỉnh, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc chinh phục người tiêu dùng và chiếm lĩnh thị trường trong nước. Người tiêu dùng đã có sự so sánh về giá cả và chất lượng giữa hàng nội và hàng ngoại trước khi chọn mua hàng và điều rất đáng mừng là khuynh hướng chọn dùng hàng Việt thay cho hàng ngoại trong tiêu dùng hàng ngày của người Việt ngày càng cao. Cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều đã nhìn thấy những tác động tích cực từ cuộc vận động mang lại. Vì thế, việc tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội là một trong những điều kiện quan trọng giúp hiệu quả cuộc vận động ngày càng nâng lên.

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động NVNUTDHVN tỉnh đã triển khai chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” cùng với các chính sách kích cầu khác của Nhà nước, các doanh nghiệp hưởng ứng tích cực đã làm cho thị trường nông thôn sôi động, nhân dân phấn khởi. Tính đến nay, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động NVNUTDHVN phối hợp với Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) và các huyện, thị, thành phố trong tỉnh tổ chức 32 phiên chợ, có 1.322 lượt doanh nghiệp tham gia, trưng bày 1.664 gian hàng, với 421.514 lượt người tham quan, mua sắm, tổng doanh số bán hàng đạt trên 32,5 tỷ đồng; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nhân đạo từ thiện, triển lãm quảng bá các dự án, chính sách kêu gọi đầu tư của tỉnh. Đặc biệt, Đồng Tháp được Trung ương đánh giá là địa phương tổ chức nhiều phiên chợ nhất và hiệu quả nhất, nên năm 2013 đã chọn tổ chức phiên chợ thứ 100 đưa hàng Việt về nông thôn của chương trình BSA tại Trung tâm Văn hóa huyện Tháp Mười, đồng thời được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam ra quyết định công nhận kỷ lục danh hiệu phiên chợ thứ 100 sau 4 năm thực hiện cuộc vận động “NVNƯTDHVN”.

Thành công bước đầu của cuộc vận động “NVNƯTDHVN” ở Đồng Tháp đạt được ý nghĩa chính trị quan trọng, thể hiện vai trò của Nhà nước trong việc kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng (kích cung và kích cầu) từng bước hàng Việt Nam được khơi thông dòng chảy về nông thôn, đồng thời còn tạo sức lan tỏa nhanh, phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người nông dân nông thôn. Nhìn chung, thông qua các phiên chợ đã góp phần định hướng tiêu dùng và xây dựng văn hóa tiêu dùng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao quảng bá thương hiệu, sản phẩm, khảo sát thị trường để có kế hoạch đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh, hướng mọi người đến nhận thức hàng Việt là lựa chọn số 1. Qua đó, khẳng định công tác tuyên truyền, vận động đã làm chuyển biến nhận thức người dân biểu hiện rõ rệt hơn bao giờ hết, hàng Việt về đến đâu thì nơi đó người mua tấp nập.

Quốc Thái

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn