Khu kinh tế cửa khẩu thúc đẩy kinh tế biên giới phát triển

Cập nhật ngày: 15/08/2012 07:26:48

Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Đồng Tháp được thành lập vào cuối năm 2008, có tổng diện tích 31.936ha, bao gồm 15 xã, phường thuộc thị xã Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự và huyện Tân Hồng, với 2 cửa khẩu quốc tế Thường Phước và Dinh Bà, 5 cửa khẩu phụ: Sở Thượng, Thông Bình, Á Đôn, Bình Phú và Mộc Rá.


Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà thúc đẩy cho việc giao thương giữa các tỉnh
trong khu vực và nước bạn Campuhia được thuận lợi

Đây là KKT cửa khẩu tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, có vai trò rất quan trọng đối với tỉnh Đồng Tháp, là trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mê Công, có chức năng thúc đẩy khu vực biên giới phát triển và có ý nghĩa rất quan trọng về mặt quốc phòng - an ninh.

Do yêu cầu phát triển của địa phương, UBND tỉnh đã chỉ đạo lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết khu cửa khẩu Thường Phước có diện tích 202ha và khu cửa khẩu Dinh Bà có diện tích 270ha. UBND tỉnh đã giao cho Ban Quản lý khu kinh tế triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư các công trình hạ tầng, gồm: đường ra cửa khẩu Thường Phước, đường ra bến phà Thường Phước, chợ Thường Phước, khu tái định cư, đường ra cửa khẩu Dinh Bà, đường vào khu tái định cư và cụm công nghiệp, đường vào khu phi thuế quan, trạm kiểm soát liên hợp. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư đến đăng ký nhận đất, nhưng do ảnh hưởng suy thoái kinh tế nên các nhà đầu tư phải giãn tiến độ triển khai.

Tổng kinh phí ngân sách đầu tư trong các năm qua cho KKT cửa khẩu khoảng 225 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư hạ tầng 175 tỷ đồng và đầu tư khu dân cư Thường Phước và Dinh Bà khoảng 50 tỷ đồng. Hoạt động KKT cửa khẩu bước đầu đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương như: Hạ tầng phục vụ thương mại - dịch vụ biên giới được mở rộng và phát triển. Hoạt động các chợ biên giới, chợ trong KKT đóng góp hơn 15% giá trị tăng thêm khu vực thương mại - dịch vụ của tỉnh. Kim ngạch xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu năm 2011 đạt khoảng 80 triệu USD, gấp 5 lần so với năm 2006. Đời sống văn hóa - xã hội người dân trong KKT cửa khẩu ngày càng nâng lên.

Nhìn chung, khi các dự án được triển khai đầy đủ sẽ góp phần thay đổi lớn cho kinh tế tỉnh Đồng Tháp, tạo điều kiện thuận lợi giao thương hàng hóa với qui mô lớn giữa 2 nước Việt Nam và Camphuchia. Tuy nhiên, tiến độ triển khai các KKT cũng như các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn bàn tỉnh còn chậm do gặp phải các khó khăn như: Quy trình thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng phải qua nhiều khâu nên rất phức tạp và thường bị kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ giao đất cho nhà đầu tư; vốn ngân sách của địa phương còn hạn chế nên không chủ động được khâu chuẩn bị mặt bằng và đầu tư hạ tầng để thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư; bên cạnh đó, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới và lạm phát trong nước nên việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn, thậm chí có một số nhà đầu tư đăng ký đầu tư nhưng bị chậm triển khai; việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng theo Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ làm chi phí tăng cao; các chính sách, hỗ trợ khuyến khích chưa thật sự hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào KKT và KCN, CCN trên địa bàn tỉnh.

Để đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ IX, nhất là để phát huy lợi thế khi các tuyến quốc lộ và cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống được hoàn thành, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai kế hoạch phát triển KKT giai đoạn 2011-2015 như: Tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu cửa khẩu quốc tế; sau khi quy hoạch chung KKT được phê duyệt sẽ xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho từng giai đoạn; tiến hành quy hoạch định hướng và kêu gọi đầu tư hạ tầng đối với các khu vực có tiềm năng phát triển; tiếp tục rà soát, xử lý thu hồi các dự án không khả thi để kêu gọi các nhà đầu tư mới; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và hoàn thành hạ tầng đang triển khai dở dang để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án.

AQ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn