Khuyến công góp phần xây dựng nông thôn mới

Cập nhật ngày: 23/11/2012 13:35:08

Tại Đồng Tháp, nhằm góp phần xây dựng các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), thời gian qua, hoạt động khuyến công đã tập trung vào các nhiệm vụ chính: đẩy mạnh hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) thông qua các chương trình quy hoạch cụm CN - TTCN; đào tạo nghề và truyền nghề; hỗ trợ máy móc thiết bị cho sản xuất CN - TTCN; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm và kêu gọi đầu tư phát triển CN - TTCN.


Chương trình đào tạo nghề do Trung tâm KC&TVPTCN phối hợp
tổ chức giải quyết việc làm cho nhiều lao động

Hầu hết các địa phương được chọn xây dựng NTM đều có tỷ trọng nông nghiệp cao, hoạt động sản xuất CN - TTCN còn thấp nên lực lượng lao động tại các địa phương phần lớn là lao động nông nghiệp, lao động phục vụ cho CN - TTCN còn hạn chế. Do đó, trong quá trình xây dựng NTM, nhu cầu về phát triển sản xuất CN - TTCN rất lớn, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân là rất cần thiết.

Hiện Đồng Tháp đã quy hoạch được 8 khu công nghiệp với diện tích 1.266ha. Qua đó, đã triển khai đầu tư hạ tầng và đi vào hoạt động 5 khu CN với diện tích 256ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 67% với 52 dự án đi vào hoạt động. Ngoài ra, đã quy hoạch 31 cụm công nghiệp với diện tích 1.710ha, đã đầu tư hạ tầng 14 cụm với diện tích 345/432, tỷ lệ lấp đầy khoảng 82% với 172 dự án đang hoạt động. Trong đó, có 11 cụm công nghiệp thuộc địa bàn 8 xã NTM, khi đi vào hoạt động mỗi cụm sẽ giải quyết việc làm cho 2.000 - 5.000 lao động tại địa phương.

Trong công tác đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN) đã phối hợp tổ chức được 40 lớp dạy nghề nông thôn. Cụ thể gồm các lớp: đan bội, đan ghế nhựa, đan giỏ xách nhựa, đan lục bình, dệt chiếu... Từ đây, 1.600 lao động được học nghề, giải quyết việc làm cho 1.100 lao động ổn định, góp phần phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh trật tự địa phương.

Về hỗ trợ thiết bị, máy móc phục vụ cho sản xuất và phát triển ngành nghề TTCN, Đồng Tháp hiện có trên 18.000 cơ sở TTCN, 44 làng nghề với hơn 80 ngàn lao động, có 16.140 hộ sản xuất kinh doanh cá thể với khoảng 44 ngàn lao động. Những năm qua, tỉnh đã xét hỗ trợ kinh phí mua máy móc thiết bị cho 28 cơ sở đầu tư thiết bị vào sản xuất (máy chẻ nan, dây chuyền sản xuất bột, sản xuất hủ tíu, sản xuất TTCN khác...). Việc hỗ trợ thiết bị, máy móc giúp cho các cơ sở sản xuất giảm bớt lao động thủ công nặng nhọc, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động.


Từ chương trình khuyến công, nhiều sản phẩm của các làng nghề
được quảng bá, giới thiệu

Ngoài ra, Trung tâm KC&TVPTCN còn tổ chức nhiều chương trình tham quan, khảo sát học tập kinh nghiệm tại các tỉnh trong khu vực. Hoạt động này nhằm giúp cho các đối tượng liên quan tại các địa phương học tập kinh nghiệm về tổ chức quản lý giao lưu tìm kiếm đối tác, hợp tác, liên kết và tiêu thụ sản phẩm thông qua chương trình khuyến công, vận động các làng nghề tham gia các hoạt động quảng bá sản phẩm tại hội chợ trong và ngoài tỉnh. Qua các cuộc vận động kêu gọi đầu tư, đến nay đã có nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh đầu tư vào các khu, cụm CN, hoạt động hiệu quả như: Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang, Tập đoàn Hoàng Long, Công ty CP Phát triển Đa Quốc gia...

Theo ông Huỳnh Văn Chiến - Giám đốc Trung tâm KC&TVPTCN, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tranh thủ các nguồn vốn khác như kết hợp, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học, chương trình phát triển ngành nghề nông thôn và chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác nhằm nâng cao tổng kinh phí hỗ trợ cho công tác xây dựng và phát triển NTM. Tăng cường mở rộng, giao lưu với các tỉnh bạn để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm trong công tác xây dựng và phát triển NTM có hiệu quả phù hợp để phổ biến cho các địa phương trong tỉnh...

Thanh Trâm

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn