Dập dịch chổi rồng
Giá nhãn chưa thu hút người dân tham gia dập dịch

Cập nhật ngày: 16/11/2012 13:24:18

Thời gian qua, dịch bệnh chổi rồng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất cũng như thu nhập của người dân chuyên canh nhãn. Trước thực trạng đó, các ngành chức năng trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác dập dịch. Tuy nhiên, người dân còn chưa mặn mà trong công tác này do chi phí cao, trong khi giá nhãn chưa tạo được sức hút.


Áp dụng phun xịt phòng ngừa dịch bệnh đúng quy trình,
giúp tỷ lệ nhãn đậu trái đạt khoảng 70%

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng gần 4.225ha. Đến nay, người dân đã cắt tỉa cành bị bệnh được 3.595ha, chiếm 85,1% diện tích. Theo thống kê, diện tích nhãn phục hồi hơn 189ha, chiếm 44,8%, trong khi đó diện tích tái nhiễm là 1.854ha chiếm 43,9%.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Sau thời gian tiến hành dập dịch chổi rồng theo quy trình, nhiều vườn đã đạt tỷ lệ nhãn đậu trái 70%. Hiện nay, trong lúc dịch bệnh bùng phát thì việc phun xịt nhằm hạn chế dịch phát triển mạnh chứ không kỳ vọng một lần có thể loại trừ hoàn toàn dịch bệnh”.

Nông dân Nguyễn Minh Lợi - xã An Nhơn, huyện Châu Thành cho biết: “Được sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, phun xịt theo quy trình, vườn nhãn tôi canh tác đạt khoảng trên 60-70% tỷ lệ cho trái”.

Trong khi đó, một số nhà vườn không phun xịt, đầu tư chăm sóc lại có tỷ lệ nhãn đậu trái trên 50%. Anh Lợi cho biết thêm: “Tôi có làm thử nghiệm ở 2 vườn với hình thức khác nhau, vườn áp dụng theo quy trình và một vườn để theo tự nhiên. Kết quả vườn cây được thực hiện theo đúng quy trình cho trái đạt khoảng 70%, vườn không chăm sóc thì cho trái khoảng trên 50%, vì thế ngành chức năng cần xem xét thông tin cho người dân”.

Trước vấn đề này, bà Ánh nhận định: “Hiện nay tình trạng người dân không phun xịt gì mà nhãn vẫn đạt trái 50% là chưa chính xác. Nguyên nhân đạt được kết quả trên là do thời gian trước, các vườn xung quanh đã tiến hành phun xịt nên mật độ mầm bệnh giảm xuống, đồng thời người dân đã phun xịt trước nhưng không cắt đọt, khi đó cây nhãn gặp điều kiện thuận lợi từ môi trường về nguồn dinh dưỡng nên cho trái. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan với hình thức này, vì nếu không phun xịt theo quy trình thì mùa sau dịch bệnh sẽ nặng thêm”

Tuy nhiên, có một số nhà vườn áp dụng quy trình nhưng vẫn không hài lòng với kết quả mang lại. Ông Phan Văn Xua, xã An Nhơn, Châu Thành cho biết: “Không ai muốn vườn nhãn nhà mình bị bệnh, nhưng chữa trị hoài không hết, tôi mong có một biện pháp nào ưu việt hơn trong phòng trị bệnh nhằm giảm chi phí”.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, nguyên nhân chính của việc tái nhiễm là do vườn cây nhãn bị suy yếu, cung cấp không đủ dinh dưỡng, nông dân cắt tỉa đọt không theo quy trình hướng dẫn...

Theo tính toán, chi phí phun xịt, tiền công cắt tỉa đọt cho nhãn là rất lớn, việc dập dịch cần phải mang yếu tố đồng loạt, để tránh việc nhện lây lan sang các vườn khác. Tuy nhiên, vườn nhãn của các hộ trồng có nhiều lứa tuổi, phân khúc thời gian để cung ứng sản lượng cho thị trường nên việc xử lý đồng loạt rất khó và tốn kém.

Theo tâm lý chung của người dân hiện nay, đầu tư dập dịch là khá mạo hiểm vì chi phí cao trong khi giá nhãn không tăng, dao động từ 8.000 - 9.000 đồng/kg, giá thành sản phẩm cũng gần 7.000 đồng/kg. Nếu thất bại, họ sẽ thêm nặng gánh. Ông Phạm Văn Tâm - Trưởng trạm BVTV huyện Châu Thành cho biết: “Việc thực hiện dập dịch chỉ mang tính khống chế, kết quả chưa đạt như mong đợi của người dân nên họ chưa mặn mà thực hiện. Nếu giá nhãn đạt ngưỡng bình ổn từ 15.000 đồng/kg sẽ là chất xúc tác để người dân đồng hành cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh dập dịch”.

Trước thực trạng dịch bệnh, nhiều người dân đã tìm đến một số cây trồng phù hợp thay thế như cam, chanh... để nâng thu nhập cho gia đình. Theo thống kê, hiện nay diện tích nhãn được chặt phá toàn tỉnh là 287ha.

Khánh Duy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn