Phát triển chăn nuôi gắn kết với tiêu thụ

Cập nhật ngày: 12/11/2012 13:51:06

Năm 2012, mặc dù phải đương đầu với những khó khăn thách thức như giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá bán các sản phẩm chăn nuôi xuống rất thấp, một số dịch bệnh nguy hiểm chưa kiểm soát triệt để, nhưng ngành chăn nuôi tỉnh nhà đã duy trì, phát triển đàn vật nuôi và thực hiện các mô hình chăn nuôi mới theo hướng sản xuất gắn kết với tiêu thụ sản phẩm.


Nuôi bò ở huyện Tân Hồng

Hiện nay, toàn tỉnh có đàn trâu khoảng 2.110 con, 40.000 con bò, 350.000 con heo và đàn gia cầm 7,5 triệu con. Tuy nhiên, chăn nuôi vẫn còn tập quán nhỏ lẻ trong các nông hộ, chăn nuôi trang trại có phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, hiệu quả chăn nuôi chưa cao.

Nhằm tăng nhanh tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp, từng bước hiện đại hóa và phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại tập trung công nghiệp, sản xuất hàng hóa gắn kết với tiêu thụ, đảm bảo an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường sinh thái, năm 2013, Đồng Tháp phấn đấu đàn trâu trên địa bàn tỉnh đạt 2.000 con, 40.000 con bò, 450.000 con heo, 8 triệu con gia cầm, trong đó có 35% đàn bò và 75% đàn heo được phối giống bằng gieo tinh nhân tạo.

Để thực hiện đạt các chỉ tiêu này, ngành nông nghiệp tập trung xây dựng mạng lưới thú y đủ mạnh để đào tạo, tập huấn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nuôi, kỹ thuật lai tạo giống, xây dựng các mô hình trình diễn chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp, trang trại theo quy mô ngày càng lớn hơn, giảm tỷ lệ đầu con chăn nuôi theo hướng truyền thống nhỏ lẻ, phân tán hiện nay từ 70% xuống còn 60% vào năm 2013. Kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm quy định của nhà nước về tiêm phòng, ấp trứng, giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, kinh doanh mua bán thức ăn gia súc, gia cầm, thuốc thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Tăng cường quản lý về kỹ thuật, phổ biến việc ứng dụng nhanh các tiến bộ về công nghệ chuồng trại, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo mô hình khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến tập trung. Đẩy nhanh việc ứng dụng kỹ thuật gieo tinh nhân tạo để cải tạo tầm vóc, nâng tỷ lệ thịt xẻ đàn bò, nạc hóa đàn heo; tạo và nhân giống gia cầm cho năng suất cao. Khuyến khích người chăn nuôi sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp và thức ăn qua chế biến, sử dụng nguyên liệu có sẵn tại địa phương.

Tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thực hiện quy trình nuôi an toàn sinh học, quy trình quản lý vệ sinh thú y đối với các cơ sở giết mổ, chế biến, vận chuyển và an toàn dịch cho vùng sản xuất; tự giác thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin phòng bệnh bắt buột đối với một số bệnh nguy hiểm, đặc biệt ở vùng chăn nuôi tập trung, vùng ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao; hướng dẫn người chăn nuôi sử dụng chế phẩm sinh học để hạn chế mùi hôi và thực hiện các giải pháp xử lý chất thải phù hợp.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng tăng cường cập nhật và quảng bá thông tin về tình hình chăn nuôi; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu khảo sát thị trường, tiềm năng chăn nuôi của tỉnh, thực hiện có hiệu quả công tác dự báo thông tin thị trường phục vụ cho phát triển chăn nuôi của địa phương.

AQ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn