Huyện Cao Lãnh: Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển thuận lợi

Cập nhật ngày: 14/11/2012 12:53:22

Năm nay, do phải tập trung khắc phục hậu quả của thời tiết gây ra, nên một số chỉ tiêu ngành nông nghiệp huyện Cao Lãnh đề ra chưa đạt.

Tuy nhiên, tình hình sản xuất nông nghiệp của huyện diễn biến khá thuận lợi do các ngành, các cấp chủ động phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; nông dân đã tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; các mô hình hiệu quả được nhân rộng, hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất. Ước tính, giá trị tăng thêm ngành nông – lâm – thủy sản năm 2012 trên 953 tỷ đồng, tăng hơn 57 tỷ đồng so với năm trước và chiếm gần 50% cơ cấu GDP.


Trồng xoài bao trái được nhiều nhà vườn huyện Cao Lãnh áp dụng

Trong năm, diện tích gieo trồng của huyện là 73.512ha, đạt 98% so với kế hoạch, năng suất bình quân 63,5 tạ/ha, so với năm trước tăng 1,42 tạ/ha, sản lượng gần 467.000 tấn, đạt 101,75% kế hoạch. Trong đó, diện tích lúa chất lượng cao xuống giống đạt trên 60%, lúa giảm giá thành đạt 78% diện tích xuống giống và diện tích áp dụng sạ hàng, sạ thưa trên 66%. Đa số nông dân xuống giống theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp nên diện tích nhiễm rầy nâu giảm so với năm 2011.

Đối với hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, huyện tiếp tục nhân rộng thực hiện các loại cây trồng là thế mạnh của vùng như mô hình trồng mè ở xã Bình Hàng Trung được người dân đồng tình ủng hộ. Riêng mô hình trồng rau an toàn có hệ thống tưới phun ở trị trấn Mỹ Thọ đạt hiệu quả cao, giảm công phun tưới, giảm lượng nước, hạ giá thành.

Bên cạnh đó, các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vẫn được người dân duy trì và phát triển. Toàn huyện có 5.298 ha diện tích trồng cây ăn trái, tổng sản lượng gần 70.000 tấn, trong đó sản lượng xoài chiếm gần 31.000 tấn. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm xoài trên thị trường, thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện kết hợp với Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II thực hiện điều tra phân tích đánh giá nguy cơ dịch hại trên cây xoài tại tổ hợp tác trồng xoài Mỹ Xương.

Đến nay, xoài Cao Lãnh đã được Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II cấp giấy chứng nhận diện tích 33,2ha/40 hộ được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang New Zealand, đồng thời được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Hiện tại, huyện đang xây dựng quy chế quản lý nhãn hiệu hàng hóa đối với xoài cát chu Cao Lãnh.

Ngoài ra, công tác dập dịch chổi rồng trên nhãn cũng được các ngành, các cấp quan tâm hỗ trợ. Giai đoạn 1 đã cấp phát tiền hỗ trợ cho 434 hộ, diện tích 145,6ha với số tiền trên 279 triệu đồng và hỗ trợ thuốc trừ nhện với diện tích gần 140ha, tổng số tiền 88 triệu đồng. Hiện huyện đang triển khai hỗ trợ tiếp giai đoạn 2 cho các nhà vườn.

Riêng về thủy sản, vùng nuôi cá bè, những tháng đầu năm, giá cá giảm thấp hơn giá thành sản xuất 4.000đồng/kg nên người nuôi gặp nhiều khó khăn. Năm nay, những hộ nuôi tôm rất phấn khởi do trúng mùa được giá, diện tích nuôi thủy sản cũng như sản lượng đạt và vượt so với kế hoạch...

Nhìn chung, mặc dù giá cả thị trường có nhiều biến động bất lợi, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, dịch bệnh trong nuôi thủy sản diễn biến phức tạp, nhưng tại huyện Cao Lãnh, người dân địa phương vẫn tiếp tục kiên trì với hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

MT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn