Phát triển nghề nuôi cá đồng và cá lồng bè, tăng thu nhập cho người nuôi
Cập nhật ngày: 14/11/2012 12:52:54
Khai thác lợi thế tiềm năng về diện tích mặt đất, mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản, năm 2012, toàn tỉnh có khoảng 4.200ha nuôi cá đồng và cá lồng bè với tổng sản lượng hơn 48.000 tấn, đạt 95% diện tích và 71,6% sản lượng so với kế hoạch năm.
Nuôi cá lồng bè phát triển mạnh ở thị xã Hồng Ngự
Các loại cá đồng gồm: cá rô, cá lóc, cá sặc rằn; cá lồng bè gồm: cá điêu hồng, cá he, cá hú, cá bông, cá tra, ba sa, cá bông, cá lóc; các loài thủy sản khác như: ếch, ba ba, rắn... Các vùng nuôi tập trung nhiều nhất ở các huyện: Hồng Ngự, Cao Lãnh, Tháp Mười, Châu Thành, Thanh Bình...
Trong những năm qua, do vốn đầu tư cho các mô hình này thấp, lại dễ chăm sóc, quản lý, nguồn lao động sẳn có nên khi mùa nước lũ về nhiều địa phương đã triển khai thực hiện các mô hình này, tận dụng các nguồn thủy sản tự nhiên trong mùa nước như cua, ốc, cá tạp làm nguồn thức ăn nuôi cá. Hiện nay, do giá thịt gia súc, gia cầm cao so với giá cá nên người dân chuyển sang sử dụng thực phẩm thủy sản. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã bước đầu nghiên cứu và đầu tư vào sản xuất giống, thức ăn và nuôi thương phẩm một số loài cá thác lác, cá lóc gắn sản xuất và tiêu thụ, tạo điều kiện cho nuôi cá đồng, cá lồng bè phát triển mạnh.
Tuy nhiên, vừa qua, tình hình tiêu thụ sản phẩm một số loại cá nuôi không ổn định, trong đó các loại cá rô đồng, cá lóc gặp khó khăn về đầu ra. Đặc biệt là cá điêu hồng do thông tin cá bị nhiễm chất cấm gây ảnh hưởng phần nào đến việc tiêu thụ. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất các loại cá nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún; chi phí sản xuất ngày càng tăng; mô hình nuôi cá đồng phụ thuộc vào mùa nước, khi lũ rút sản phẩm nuôi thu hoạch đồng loạt, giá bán thường bị giảm...
Để phát triển nuôi trồng thủy sản, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất sản xuất, giải quyết lao động nhàn rỗi trong mùa nước nổi, tăng thu nhập cho người nuôi, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu năm 2013 diện tích nuôi cá đồng và cá lồng bè trên địa bàn tỉnh đạt 4.500ha, với tổng sản lượng khoảng 50.000 tấn.
Ngành nông nghiệp tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra vùng nuôi, theo dõi hỗ trợ kỹ thuật đảm bảo các mô hình nuôi các đồng và cá lồng bè phát triển có định hướng và bền vững. Các địa phương nghiên cứu hỗ trợ thành lập các hợp tác xã và chi hội nghề cá phù hợp với hình thức nuôi cụ thể, tập huấn chuyển giao các tiến bộ KHKT...
Ngành nông nghiệp cũng đề nghị các địa phương cần liên hệ với các đơn vị chuyên môn để được cung cấp, chuyển giao công nghệ sản xuất giống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi, phương pháp phòng trị bệnh, biện pháp sử dụng thuốc, hóa chất xử lý và các chế phẩm sinh học, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại thủy sản, giữ vững thị trường trong nước, mở rộng thị trường ngoài nước; xây dựng mối liên kết về vùng nguyên liệu, ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm theo hướng sản xuất hiệu quả và ổn định lâu dài.
AQ