Kỳ vọng từ Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp
Cập nhật ngày: 20/02/2025 16:36:09

ĐTO - Với những định hướng, kế hoạch trọng tâm, thời gian qua, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tích cực tham gia thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án). Là một trong các địa phương tham gia, Đồng Tháp triển khai Đề án với kỳ vọng nâng cao giá trị gia tăng của lúa gạo, tăng cường thu hút đầu tư, tạo ra giá trị cho người dân và ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

Nông dân áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ theo mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải
Hướng đến sản xuất bền vững
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ĐBSCL có hơn 2,5 triệu hecta diện tích đất phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sản lượng lúa của vùng những năm gần đây luôn ổn định ở mức 24 - 25 triệu tấn, chiếm trên 55% sản lượng lúa sản xuất và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng.
Với tiềm năng đó, việc thực hiện Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác bền vững và hiệu quả. Đề án đề ra mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng; tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải.
Bên cạnh đó, Đề án gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo. Đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế. Trong quá trình triển khai Đề án, các chính sách mới, phù hợp với xu hướng toàn cầu được thực hiện thí điểm như: chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, sản xuất tuần hoàn; khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa với các chính sách cơ chế về đầu tư hoặc tín dụng với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lúa gạo...
Chủ động trong thực hiện Đề án
Thời gian qua, tỉnh thực hiện mô hình mẫu của Đề án tại Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (huyện Tháp Mười), trong đó, đảm bảo nghiêm ngặt những tiêu chuẩn, tiêu chí của Đề án về hạ tầng, quy trình canh tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ, giảm phát thải. Diện tích tham gia thực hiện mô hình thí điểm Đề án tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi trong vụ đầu tiên là 50ha lúa liền kề nhau của 24 hộ, bắt đầu từ vụ thu đông năm 2024 và kéo dài trong 3 vụ liên tiếp. Khi tham gia, nông dân ghi chép nhật ký sản xuất, tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, tuân thủ quy trình hướng dẫn và đặc biệt là không được đốt rơm rạ trên đồng ruộng...
Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, cho biết: “Thực hiện Đề án, HTX sản xuất theo hướng ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu trên đồng ruộng đạt 100%, giảm sức lao động; nông dân canh tác theo hướng giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Thời gian tới, sau khi hoàn thành thí điểm, HTX tiếp tục vận động bà con xã viên sản xuất lúa theo quy trình, tiêu chuẩn của Đề án đối với tất cả diện tích trong HTX với hơn 440ha...”.
Ông Lê Văn Chấn - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vật tỉnh, cho biết: “Đồng Tháp triển khai thực hiện Đề án tại một số địa phương có vùng chuyên canh lúa lớn như: huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Cao Lãnh, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười và TP Hồng Ngự. Trong đó, đặt ra mục tiêu đến hết năm 2024 sẽ có khoảng 20.00ha lúa tham gia Đề án, đến năm 2025 sẽ phát triển diện tích lên 50.000ha và đến năm 2030 là 161.000ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp...”.
Ông Lê Đức Thịnh - Cục Trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc thực hiện Đề án nhằm hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững. Qua đó, giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Theo ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới, UBND các tỉnh ĐBSCL căn cứ tiêu chí vùng chuyên canh tiến hành xác định các vùng đạt tiêu chí, đăng ký và xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án cho năm 2024 và cho từng giai đoạn; củng cố kiện toàn tổ chức bố trí kinh phí hoàn thiện các điều kiện ban đầu để triển khai Đề án trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Các địa phương củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng cho vùng lúa tham gia Đề án, nhất là hạ tầng về thủy lợi; ban hành cơ chế, chính sách của địa phương để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp; hỗ trợ và phát triển các HTX, đào tạo nhân lực quản lý HTX, nâng cấp cơ sở hạ tầng để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất lúa bền vững...
Nhật Nam