Kỳ vọng vào liên kết theo chuỗi ngành hàng

Cập nhật ngày: 21/01/2015 14:04:54

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đã chọn 5 ngành hàng chủ lực của địa phương gồm: cá tra, lúa gạo, hoa kiểng, vịt, trái xoài. Theo đó, Đồng Tháp định hướng xây dựng liên kết chuỗi ngành hàng và vùng chuyên canh làm điểm nhấn cho đề án.


Lúa gạo - sản phẩm thế mạnh của tỉnh

Khơi thông đồng vốn cho dự án liên kết chuỗi

Việc xây dựng liên kết chuỗi cần có sự đồng hành của doanh nghiệp, nhưng cái khó đối với doanh nghiệp chính là nguồn vốn thực hiện đầu tư liên kết, trong khi việc tiếp cận tín dụng cũng lắm nhiêu khê. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Nghị quyết 14 của Chính phủ về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp ra đời phần nào cởi nút thắt cho doanh nghiệp trong định hướng liên kết. Tại Đồng Tháp có 2 doanh nghiệp được vay thí điểm, phục vụ cho 2 ngành hàng trong tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh là cá tra và lúa gạo.

Năm 2014, Công ty TNHH Hùng Cá được Vietinbank chi nhánh Đồng Tháp ký kết hợp đồng nguyên tắc cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp trên 300 tỷ đồng trong thời hạn 2 năm (2014 - 2015) với lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 7%/năm và trung dài hạn tối đa 10,5%/năm.

Đầu năm 2015, tín hiệu vui cho ngành hàng lúa gạo là khi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Dân cung cấp gói tín dụng trị giá 980 tỷ đồng vốn vay ngắn hạn, lãi suất 6,5%/năm cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Lộc Anh để triển khai Dự án Cánh đồng lớn theo chuỗi liên kết giá trị lúa gạo.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng, nguồn vốn này được xem như phương tiện giúp doanh nghiệp thực hiện sứ mệnh của mình. Với sự tiếp sức của chương trình vay vốn liên kết theo chuỗi tạo điều kiện cho doanh nghiệp Đồng Tháp đồng hành với người nông dân xây dựng phương thức sản xuất theo hướng mới, đưa Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh phát triển...

Và những kỳ vọng vào liên kết

Ngay từ ngày đầu thành lập, doanh nghiệp Hùng Cá đặt mối liên kết và xem đây là bài toán cho sự phát triển. Ngoài việc thành công với chuỗi liên kết dọc từ sản xuất con giống, thức ăn thủy sản, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu và tiêu thụ phụ phẩm, doanh nghiệp còn thực hiện chuỗi liên kết ngang với hơn 300 hộ dân, diện tích gần 750ha. Dự án thực hiện theo chuỗi đã tháo gỡ khó khăn để người nuôi nhỏ lẻ hạn chế cảnh “treo ao” vì “khát vốn” dẫn đến vay nóng như trước đây, họ còn được doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm. Theo đó, doanh nghiệp cũng “nhẹ thở” hơn trong việc chủ động về nguồn hàng xuất khẩu.

Ngoài cá tra, sản phẩm lúa gạo là một trong những ngành hàng chủ lực của địa phương. Song loại nông sản này cũng vướng phải khó khăn khi giữa cung cầu chưa gặp nhau. Khi mô hình liên kết sản xuất được thực hiện đã mở ra trang mới cho ngành hàng nông sản lúa gạo. Tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua đã xuất hiện yếu tố thiếu bền chặt giữa đôi bên khi doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và nông dân chưa có sự ràng buộc chặt chẽ với nhau. Doanh nghiệp chỉ liên kết thu mua cuối vụ, hay đầu tư vật tư nhưng không thu mua nông sản. Với mục tiêu liên kết mang tính bền vững, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Lộc Anh (trực thuộc Công ty XNK TM Võ Thị Thu Hà) xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi đối với ngành hàng này. Dự án có quy mô 20.800ha, được thực hiện trên 7 huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh, Lai Vung và Lấp Vò, hình thành trên nền tảng của liên kết dọc: Công ty - HTX - Nông dân.

Đối với mô hình này, Công ty Lộc Anh có trách nhiệm bao tiêu 100% sản lượng lúa làm ra của vùng dự án theo giá thị trường và hỗ trợ thêm cho nông dân 200 đồng/kg lúa (tùy từng thời điểm). Theo đó, Công ty Lộc Anh tiến đến liên kết ngang với các đơn vị: Công ty Giống cây trồng An Phong, Công ty Phân bón Bình Điền, Công ty Bảo vệ thực vật Sài Gòn và tổ chức cung cấp trọn gói lúa giống, vật tư nông nghiệp. Các đơn vị liên kết ngang này còn đảm nhận khâu cung ứng vật tư và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho nông dân, theo dõi quá trình sinh trưởng của cây lúa nhằm đảm bảo sau khi thu hoạch đạt năng suất và chất lượng.

Ông Ký Văn Ngọt - đại diện Công ty Bảo vệ thực vật Sài Gòn cho rằng: “Công ty là đơn vị cùng thực hiện theo mô hình liên kết chuỗi của Công ty Lộc Anh, chúng tôi sẽ cung ứng sản phẩm chất lượng cao, truyền đạt những kinh nghiệm kỹ thuật đồng ruộng, cách sử dụng phân bón hiệu quả nhằm giúp người nông dân giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận”.

Mô hình liên kết theo chuỗi được tỉnh kỳ vọng cao bởi nó mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Trong đó, giải quyết thấu đáo cho người nông dân là đầu ra sản phẩm ổn định, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu xuất khẩu, HTX tăng thu nhập cho các thành viên qua các dịch vụ tăng thêm.

Ông Vũ Văn Đào - Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Tiến kỳ vọng: “Mô hình liên kết theo chuỗi giá trị lúa gạo đi vào thực hiện giúp HTX định hình trong việc đề ra kế hoạch thực hiện khép kín chuỗi giá trị lúa gạo. Qua đó giúp giảm giá thành, tăng giá trị lúa hàng hóa, tăng thu nhập cho thành viên HTX, nông dân yên tâm sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu hàng hóa lúa gạo trên thị trường, góp phần vào kết quả bước đầu của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh”.

K.D

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn